Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần về các mô hình đa cấp lừa đảo nhưng dường như nhà đầu tư vẫn bị những con số lợi nhuận hấp dẫn che mắt. Nổi cộm lên trong thời gian gần đây là cái tên Eagle Rock Global (ERG), mô hình đa cấp Ponzi trá hình dưới dạng một công ty đầu tư tài chính công nghệ 4.0. Với cam kết lãi suất đến 180%/năm cùng hệ thống chi trả hoa hồng hấp dẫn khi mời được người khác tham gia đầu tư vào ERG, đã khiến cho rất nhiều người mắc bẫy, rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn, đến nỗi phải bán nội tạng để trả nợ.
Vậy Eagle Rock Global là gì? ERG có thật sự lừa đảo như VTV đã đưa tin? Và chiêu trò nào được ERG áp dụng để lôi kéo nhà đầu tư tham gia vào dự án? Câu trả lời sẽ có trong bài đánh giá chi tiết về Eagle Rock Global dưới đây. Đừng bỏ qua nhé, vì nó có thể giúp bạn và những người thân của mình “không bị mất tiền”.
Eagle Rock Global là gì?
Theo thông tin được cung cấp trên website eaglerockglobal.org thì Eagle Rock Global là một công ty đầu tư tài chính thuộc tập đoàn ERG Group INC, thành lập vào năm 2018 tại Quần Đảo Virgin, Anh.
Hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn này là huy động vốn từ nhà đầu tư bên ngoài để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Lợi nhuận có được từ các hoạt động đầu tư đó sẽ là nguồn thu chính để ERG trả lãi cho nhà đầu tư.
Các lĩnh vực được cho là ERG đang đầu tư, bao gồm:
- Trading: giao dịch tài chính, liên quan đến việc mua, bán các loại tài sản cơ sở
- Mining: khai thác tiền ảo
- Social Network: mạng xã hội
- Investment: đầu tư
- Game: trò chơi trực tuyến
- Paid to click: trả tiền trên mỗi lượt nhấp chuột
- E – Commerce: thương mại điện tử
- Shortener: công cụ rút ngắn liên kết url.
Nhà đầu tư tham gia vào Eagle Rock Global như thế nào?
ERG thiết lập 13 gói đầu tư có giá trị từ 100 USD đến 1 triệu USD. Nhà đầu tư có thể tham gia vào bất cứ gói nào, phụ thuộc vào túi tiền của mỗi người.
Để mua các gói đầu tư của Eagle Rock Global, nhà đầu tư có thể nạp các loại tiền điện tử như BTC, ETH, BCH, LTC… vào các ví được tích hợp sẵn trên ứng dụng khi nhà đầu tư đăng ký mở tài khoản tại ERG. Hoặc là chuyển tiền vào tài khoản của ERG thông qua đội ngũ IB của công ty này.
Nhà đầu tư sẽ được theo dõi tài khoản của mình trên website của ERG tại khu vực cá nhân hoặc trên ứng dụng di động do ERG cung cấp.
Nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận từ ERG như thế nào?
Nhà đầu tư có thể kiếm được tiền với ERG bằng 2 hình thức:
Thứ nhất: Lợi nhuận đến từ các khoản tiền đầu tư ban đầu
Mỗi gói đầu tư sẽ được chi trả một tỷ lệ lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên, lãi suất không phụ thuộc vào giá trị của từng gói mà tăng dần theo thời gian đầu tư. Cách thức trả lãi này tương tự với hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn.
Với lãi suất từ 6% – 15%/tháng, tương đương với 72% – 180%/năm, gấp hơn 20 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Nếu thực sự dự án này uy tín thì có lẽ đây chính cơ hội đầu tư đáng mơ ước.
Thứ hai, hoa hồng từ việc giới thiệu những người khác tham gia đầu tư vào ERG.
Mỗi gói đầu tư sẽ có những hạn mức về tỷ lệ hoa hồng khác nhau:
Ví dụ:
- Gói thấp nhất 100$, nhà đầu tư sẽ nhận được 2% hoa hồng từ F1, 0.5% hoa hồng từ F2 và 0.5% hoa hồng từ F3. Hoa hồng này sẽ được tính trên số tiền mà các cấp thấp hơn đã đầu tư vào ERG.
- Gói đầu tư 500$
Bắt đầu từ gói 500$ trở lên, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm % doanh thu từ các cấp thấp hơn do mình “tuyển dụng” được. Nghĩa là, ngoài 3% hoa hồng nhận được từ việc giới thiệu F1 vào hệ thống và F1 đã nạp tiền vào tài khoản thành công, nếu F1 tạo ra doanh thu từ các khoản đầu tư của họ thì nhà đầu tư sẽ nhận được thêm 6% doanh thu của F1, tương tự, 2% doanh thu của F2 và 2% doanh thu của F3.
- Gói đầu tư cao nhất 1 triệu USD
Với gói đầu tư 1 triệu USD này, ngoài lãi suất 180%/năm thì ERG còn cam kết rằng nhà đầu tư sẽ nhận được một mức doanh thu tối thiểu là 1 triệu USD từ hoa hồng và % doanh thu của các cấp thấp hơn.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn được nâng hạng, lên level khi tuyển được các cấp dưới chất lượng và sẽ nhận được những phần quà tiền mặt hết sức giá trị.
Nếu chưa có F1 nào, nhà đầu tư chỉ ở cấp độ Member và không được tặng bất kỳ phần thưởng nào khác.
- Manager: tuyển được 5 F1 và doanh thu từ 50,000$ trở lên. Được thưởng 200$ tiền mặt.
- Ruby: 4 F1 là Manager. Được thưởng 500$.
- Emerald: 4 F1 là Ruby. Được thưởng 1,000$ và cộng thêm 0.5% vào lãi suất đầu tư.
- Sapphire: 3 F1 là Emerald. Được thưởng 5,000$ và cộng thêm 1% vào lãi suất đầu tư.
- Diamond: 3 F1 là Sapphire. Được thưởng 30,000$ và cộng thêm 3% vào lãi suất đầu tư.
Tiền mà nhà đầu tư dùng để mua các gói đầu tư, tiền lãi, tiền hoa hồng, tiền thưởng đều được tính đầy đủ vào tài khoản trên ứng dụng. Nhưng chúng cũng chỉ là những đồng tiền USD ảo, chỉ khi nào chúng được rút về tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư thì mới thật sự có giá trị.
Vậy, các bạn thử hình dung xem, nếu ERG sụp đổ, tất cả số USD ảo đó sẽ biến thành những con số vô dụng, một đống rác không thể sử dụng mà cũng không thể đem đi tái chế được.
Với chính sách chi trả lợi nhuận và tiền hoa hồng, tiền thưởng như thế này thì nhà đầu tư sẽ chẳng cần quan tâm đến ERG làm ăn như thế nào để đảm bảo các khoản lợi nhuận được chi trả mà việc họ quan tâm nhiều hơn là làm thế nào để tuyển được càng nhiều người vào hệ thống và đầu tư với các gói càng cao càng tốt.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại với các công ty đầu tư tài chính uy tín và mô hình mà ERG đang xây dựng chính xác là mô hình đa cấp.
Vén bức màn lừa đảo của Eagle Rock Global
Thứ nhất, hồ sơ pháp lý không uy tín
Kẻ đứng sau Eagle Rock Global là ERG Group INC, có trụ sở tại Quần đảo Virgin, Anh. Bạn biết đấy, Virgin là nơi yêu thích của rất nhiều những tổ chức lừa đảo với vỏ bọc là các công ty tài chính, nhà môi giới giao dịch trực tuyến… vì những quy định, luật lệ tại khu vực này khá lỏng lẻo.
ERG, các nhân viên và IB của công ty này tự gắn cái mác “tập đoàn tài chính” để dễ dàng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín của mình đến với nhà đầu tư. Nhưng thực chất, ERG không được cấp phép hoạt động từ bất kỳ một cơ quan tài chính nào của Anh cả. Điều này đã được xác minh bởi Bộ Công An vào cuối năm 2019.
Thứ hai, đội ngũ lãnh đạo giả mạo
Trên website của ERG, công ty này giới thiệu hàng loạt các nhân vật được cho là đội ngũ lãnh đạo, bao gồm CEO, nhà sáng lập, chuyên gia, cố vấn, nhà phát triển Blockchain… với những gương mặt hoàn toàn xa lạ.
Chúng tôi đã thử tra cứu những cái tên này trên các trang tìm kiếm thì kết quả là rất nhiều người có tên đó, ví dụ như William C. Edwards, được ERG giới thiệu là CEO, thì không có ai giống với “gương mặt” mà ERG đã công bố trên website của mình. Và những người khác cũng tương tự như thế.
Vậy thì, một sự thật mà chúng ta có thể thấy là ERG hoàn toàn lừa đảo nhà đầu tư khi giới thiệu đội ngũ lãnh đạo công ty là những người “không có thật”.
Thứ ba, hoạt động kinh doanh không minh bạch
Một công ty muốn huy động vốn từ nhà đầu tư thì phải có một profile tốt về doanh thu, lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh hiện tại của mình hoặc ít nhất là một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo được thiết kế ra để tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư. ERG hoàn toàn không có những thứ đó.
Một công ty đầu tư tài chính “đích thực” chắc chắn sẽ minh bạch với khách hàng của mình về các số liệu hoạt động. Ít nhất là nhà đầu tư phải biết được tình hình “làm ăn” của công ty như thế nào, doanh thu, lợi nhuận có tốt không…thì mới sẵn sàng để bỏ một khoản tiền lớn đầu tư. Trong khi đó, ERG không công khai bất kỳ một thông tin nào về tình hình hoạt động của công ty mà chỉ giới thiệu một cách sơ sài về các lĩnh vực đầu tư của mình.
Vậy mà lại có rất nhiều người tự tin bỏ tiền vào một “dự án ma” như thế này.
Thứ tư, mô hình đa cấp lừa đảo Ponzi
Đa cấp không hẳn là xấu nhưng đa cấp biến tướng chắc chắn là lừa đảo. Mô hình đa cấp của ERG đích thực là lấy của người sau trả cho người trước, người trước chỉ nhận được hoa hồng khi người sau đã nạp tiền thành công. Và đây cũng chính là mô hình lừa đảo Ponzi khét tiếng trên thế giới.
Trên thực tế, không có một dự án nào có thể cam kết trả lãi cho nhà đầu tư cao gấp hơn 20 lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng như ERG. Chưa kể đến những khoản thưởng, hoa hồng cao chót vót lên đến 1 triệu USD. Bất cứ một người nào có am hiểu về tài chính sẽ dễ dàng nhận ra đó chỉ là những con số không tưởng và chắc chắn sẽ không thật.
Mô hình này chỉ sụp đổ khi số tiền của những nhà đầu tư mới không đủ để chi trả cho những nhà đầu tư cũ hoặc kẻ cầm đầu dự án lừa đảo này và tất cả những gì liên quan đến ERG bỗng dưng biến mất cùng với một số tiền rất lớn.
Thứ năm, sự không chuyên nghiệp đến từ website – bộ mặt của công ty
Khi kiểm tra tên miền eaglerockglobal.org, chúng ta có thể hoàn toàn nhận thấy rằng ERG không cung cấp thông tin người đăng ký, trong khi đó hầu hết nhưng công ty uy tín đều đăng ký thông tin khi mua tên miền. Bên cạnh đó, website này không có chứng chỉ bảo mật SSL riêng mà dùng miễn phí qua Cloudflare. Điều đó chứng tỏ ERG không hề chuyên nghiệp một chút nào trong khi tự tin giới thiệu là một công ty tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực 4.0, công nghệ blockchain cao siêu…
Nhà đầu tư đã được cảnh báo ERG lừa đảo như thế nào?
Vì quá hot trong một khoảng thời gian ngắn trên thị trường nên dự án này nhanh chóng được các phương tiện truyền thông, báo chí và cả Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Theo kết luận của Bộ Công an, Eagle Rock Global không được cấp phép bởi bất kỳ một cơ quan uy tín nào ở Anh, trang web không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp. Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro cao khi tham gia vào hệ thống đa cấp lừa đảo này.
Trước đó, các phóng viên của VTV cũng đã thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến ERG và đưa ra những phân tích, bằng chứng chứng tỏ ERG là một doanh nghiệp ma, hoàn toàn không có thật để cảnh báo đến toàn thể người dân Việt Nam.
Các bạn có thể xem qua một số video được cắt ra từ những bản tin thời sự trên các kênh truyền hình VTV:
Tuy nhiên, rất nhiều người vì ham lợi nhuận cao, không chịu tìm hiểu kỹ càng, đã chi ra hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chỉ để đầu tư vào một “dự án ma”, thậm chí còn có nhiều người không có tiền nhưng cầm cố tài sản để vay ngân hàng hoặc vay nóng lãi suất cao với hy vọng đổi đời.
Nhà đầu tư đã bị lừa đảo ra sao?
Vào cuối năm 2019, cụ thể khoảng cuối tháng 11, sự việc liên quan đến ERG trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết khi “tập đoàn tự xưng” ERG đã về đến địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Trưởng công an huyện Đắk Mil cho biết, nhóm đối tượng của công ty ERG đã lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các gói huy động đầu tư của ERG.
Không những thế, những nhân vật được xem là người tiên phong gia nhập hệ thống, liên tục tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ nhằm dụ dỗ nhà đầu tư khắp cả nước thông qua những con số lợi nhuận vô cùng hấp dẫn.
Nào là công nghệ 4.0, nào là trí tuệ nhân tạo AI, những vấn đề “cao siêu” như thế liệu những người công nhân, người dân bình thường có thể hiểu được? Các buổi hội thảo như thế thường được tổ chức trong những nhà hàng sang trọng, nhưng thực chất chỉ là vẻ bề ngoài đánh lừa nhà đầu tư “nhẹ dạ cả tin”.
Ngoài các buổi hội thảo, cuộc gặp gỡ “chèo kéo” thì những IB “tích cực” của ERG còn mở rộng marketing bằng các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Khi tìm kiếm từ khóa Eagle Rock Global trên Facebook thì sẽ hiện ra hàng chục trang, hội nhóm của ERG. Admin của những hội nhóm này thường xuyên cập nhật các thông tin về ERG, về lợi nhuận, hay những hình ảnh về cuộc sống sang chảnh nhờ đầu tư vào ERG với mục đích gây tò mò cho những người khác.
“Mục tiêu 2019. 1000 anh em mỗi người có 1 triệu $”. Đây là chiêu trò “truyền thống” của hầu hết các công ty đa cấp lừa đảo. Vậy mà vẫn có rất nhiều người tin “răm rắp”.
Trong thời gian đầu, ERG vẫn cho nhà đầu tư rút vốn một vài lần, sau đó thì dừng hẳn không cho rút tiền nữa.
Sau khi bị VTV vạch trần “bộ mặt lừa đảo” thì ERG vẫn ngang nhiên tiếp tục lừa đảo nhà đầu tư với một hình thức mới, chuyển đổi sang mua cổ phiếu Eagle Rock Global và được trả cổ tức theo ngày. Nghe là đã thấy không hề hợp lý một chút nào cả. Đối tượng mà những IB hay nhà đầu tư cấp trên nhắm đến là những người dân vùng sâu, vùng xa, những công nhân trong các khu công nghiệp, không am hiểu nhiều về tài chính, họ chỉ biết là bỏ ra một số tiền sẽ mang về số tiền khác nhiều hơn gấp vài chục lần. Chính vì thế mà họ sẽ dễ dàng sa bẫy hơn.
Không những thế, ERG còn tung tin bịa đặt, cho rằng VTV đã được các sàn khác trả 47 tỷ VND để nói xấu ERG.
Họ sử dụng thông tin bịa đặt đó để tiếp tục đi lừa đảo những nhà đầu tư khác. Nhiều người không am hiểu vẫn tin vào ERG, cho rằng VTV bị thuê để viết bài nói xấu ERG và kết quả là vẫn bỏ tiền ra để đầu tư.
Chưa hết, đối với những nhà đầu tư đã bắt đầu nghi ngờ về ERG thì lại bị những người trong hệ thống cô lập, thậm chí đe dọa, đuổi ra khỏi nhóm. Chính vì nỗi sợ sẽ không rút được tiền nên nhiều người đành chịu đựng và chờ đợi.
Hiện nay, website của ERG vẫn còn hoạt động bình thường. Ứng dụng ERG thỉnh thoảng vẫn cho phép nhà đầu tư rút tiền một vài lần với số tiền rất thấp. Những nhà đầu tư đang sở hữu một lượng lớn USD ảo trong ví đang cố gắng tìm mọi cách để bán chúng cho những người khác trong hệ thống nhưng chắc chắn là sẽ không một ai còn dám tự tin để mua lại số “rác” này.
Ứng dụng ERG bị sụp, nhà đầu tư không rút được tiền, nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, đến nỗi phải bán gan để trả nợ. Công nhân thì “vét” hết tiền bạc đem đầu tư, giờ không có tiền mua sữa cho con, thậm chí có người còn tự vẫn vì quá túng quẫn.
Cho đến thời điểm này, mặc dù đã bị rất nhiều phương tiện truyền thông uy tín cảnh báo lừa đảo, nhưng ERG vẫn ngang nhiên tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư. Nhiều người vẫn “u mê” tin vào số lợi nhuận không tưởng, một dự án không có thật và để lại những hậu quả thật không đáng có.
Hy vọng rằng, tất cả chúng ta sẽ sáng suốt hơn trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định đầu tư nào. Nên tìm hiểu thông tin thật kỹ lưỡng, và đặc biệt là không nên đầu tư vào những gì mà mình không am hiểu về nó.