Khi vừa nghe đến từ Pyramid thì có lẽ hình ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu của các bạn đó chính là Kim tự tháp Ai Cập. Và Pyramid cũng chính là một chiến lược mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp hay sử dụng trong giao dịch forex. Đặc điểm của chiến lược này cũng giống như hình dáng của Kim tự tháp vậy. Nếu áp dụng thành công, chiến lược sẽ mang về cho nhà đầu tư lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần như chiều cao của Kim tự tháp và rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều giống như diện tích Kim tự tháp càng lên cao càng giảm và cao nhất là hội tụ lại thành một điểm, khi đó rủi ro là bằng 0.
Lúc này các bạn sẽ nghĩ rằng, chiến lược Pyramid kỳ diệu đến thế sao nhà đầu tư không áp dụng nó để kiếm được nhiều lợi nhuận? Tại sao vẫn có trường hợp thua lỗ xảy ra? Chúng tôi có thể trả lời rằng, chiến lược Pyramid kỳ diệu nhưng không phải lúc nào nhà đầu tư cũng thực hiện được và nếu áp dụng sai, rủi ro cũng sẽ “kỳ diệu” đến nỗi tài khoản của nhà đầu tư có thể sẽ bị cháy rất nhanh.
Hy vọng bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn hình dung ra chiến lược Pyramid là như thế nào và nó có thật sự phù hợp với các bạn hay không.
Chiến lược Pyramid là gì?
Chiến lược Pyramid được hiểu một cách đơn giản là tiếp tục mở những vị thế mới sau khi thị trường đi đúng xu hướng mà nhà đầu tư đã dự đoán trước đó.
Hình trên thể hiện xu hướng đang tăng của tỷ giá. Đây là một xu hướng khá hoàn hảo khi đường đi của giá tạo thành những nấc thang quá đẹp, các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước. Thị trường đang liên tục phá vỡ các ngưỡng kháng cự sau đó retest lại các mức kháng cự đó như một vùng hỗ trợ mới. Khi thị trường đáp ứng các điều kiện như thế thì sẽ là một thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư tham gia vào thị trường với chiến lược Pyramid (trường hợp thị trường giảm cũng tương tự).
Lệnh đầu tiên được thực hiện khi thị trường retest lại mức kháng cự cũ, lúc này là hỗ trợ mới. Điều kiện để lệnh thứ 2 và thứ 3 được kích hoạt là giá phải vượt qua đỉnh cũ (trong trường hợp xu hướng tăng) và lực tăng phải đủ mạnh để tiếp tục đi theo xu hướng ban đầu, sau đó tiếp tục retest tại các mức kháng cự và các mức này lại trở thành mức hỗ trợ để thực hiện các lệnh tiếp theo.
Thị trường liên tục retest lại như thế phù hợp với Lý thuyết Dow. Trong một xu thế dài hạn, thị trường luôn có những đợt điều chỉnh tác động làm gián đoạn quá trình vận động của xu hướng dài hạn đó. Chúng thường là những đợt suy giảm (trong xu hướng tăng)/tăng giá (trong xu hướng giảm) tạm thời trong một xu hướng chung dài hạn.
Các điều kiện để có thể áp dụng được chiến lược Pyramid:
- Điều kiện tiên quyết là nhà đầu tư phải dự đoán đúng hướng đi của thị trường.
- Xu hướng đó phải diễn ra trong một thời gian đủ dài, để nhà đầu tư có thể mở thêm ít nhất là 1 đến 2 lệnh mới.
- Giá đang trong xu hướng tăng mạnh hoặc giảm mạnh.
Cách giao dịch với chiến lược Pyramid
- Sau khi nhận được tín hiệu mua vào từ thị trường, bạn đặt lệnh Buy cho lệnh đầu tiên và Stop-loss cho lệnh này.
- Khi thị trường tiếp tục tăng như dự đoán của bạn, sau đó retest lại. Lúc này, bạn tiếp tục nhận được tín hiệu mua cho lệnh thứ 2. Bằng một cách nào đó bạn phải nhận biết được điểm vào lệnh. Giả sử bạn đang sử dụng phương pháp trendline thì điểm vào lệnh sẽ là điểm mà giá tiếp xúc với đường trendline để tạo đáy mới. Stop-loss có thể đặt tại mức giá bằng với mức giá của đỉnh ngay trước đó hoặc một cách đặt stop-loss đơn giản nhất là 2% trên tổng tài khoản. Đồng thời lúc này bạn nâng stop-loss của lệnh đầu tiên lên ngang với stop-loss của lệnh thứ 2 bằng cách sử dụng công cụ trailing stop. Việc này giúp bạn loại bỏ đi rủi ro cho lệnh 1, dù giá có đi ngược trở lại thì lúc này bạn đã chắc chắn có lời ở lệnh đầu tiên. Rủi ro chỉ đến từ lệnh thứ 2.
- Tương tự như thế nếu giá tiếp tục đi theo xu hướng mà bạn dự đoán thì bạn lại tiếp tục đặt lệnh thứ 3. Đặt stop-loss cho lệnh thứ 3, tiếp tục trailing stop của lệnh 2 và lệnh 1 lên bằng với lệnh 3. Lúc này, lợi nhuận của lệnh 1 được tăng lên, lệnh 2 được loại bỏ rủi ro và chắc chắn có lợi nhuận. Rủi ro lúc này chỉ có ở lệnh 3.
- Càng đặt được nhiều lệnh theo xu hướng giá có lợi cho bạn như thế thì lợi nhuận của các lệnh trước càng tăng lên. Nếu tại lệnh thứ n mà giá đi ngược trở lại, chạm mức stop-loss, bạn sẽ chỉ bị lỗ tại lệnh đó, từ lệnh đầu tiên đến lệnh thứ n-1 đều có lợi nhuận, lệnh đặt càng sớm có lợi nhuận càng cao. Nếu tại lệnh thứ n mà giá tiếp tục tăng nhưng lúc này bạn đóng lệnh vì cho rằng ở phiên giao dịch tới giá sẽ bắt đầu giảm mạnh, thì rủi ro của bạn trong cả giao dịch bằng 0. Lợi nhuận của chiến lược bằng tổng lợi nhuận các lệnh cộng lại.
Áp dụng chiến lược Pyramid vào thực tế
Hình trên là biểu đồ giá của cặp CAD/JPY với khung thời gian H1. Giả sử các bạn đặt được Lệnh Buy đầu tiên với mức giá là 82.618 và đặt stop-loss tại 82.537. Từ vị trí đáy tại Lệnh Buy 1 kết hợp cùng với 2 đáy phía trước, chúng ta có thể xây dựng được một đường trendline cho xu hướng tăng như trên hình. Với đường trendline này, chúng ta có thể xác định được các điểm vào lệnh tiếp theo. Nếu sau Lệnh Buy 1 mà giá đi ngược xuống vượt stop-loss thì các bạn lỗ 8.1 pips.
Lúc này, giá tiếp tục đi đúng xu hướng như dự đoán. Khi giá chạm vào đường trendline tại mức giá 82.938, bạn đặt Lệnh Buy 2 và đặt stop-loss tại 82.846 đồng thời trailing stop cho Lệnh Buy 1 lên mức stop-loss của Lệnh Buy 2. Lệnh Buy 1 bây giờ đã chắc chắn có lời, Lệnh Buy 2 có khả năng thua lỗ 9.2 pips.
Giá tiếp tục tăng lên, bạn đặt Lệnh Buy 3 tại mức giá 83.543 là lúc giá chạm vào đường trendline. Đặt stop-loss cho Lệnh Buy 3 tại 83.483 đồng thời trailing stop cho Lệnh Buy 1 và 2 đến stop-loss của Lệnh Buy 3. Lúc này, lợi nhuận của Lệnh Buy 1 tăng thêm, Lệnh Buy 2 chắc chắn có lợi nhuận. Rủi ro lúc này nằm ở Lệnh Buy 3 với khả năng lỗ 6 pips.
Sau đó, giá bắt đầu vượt qua đường trendline (được khoanh tròn trên hình vẽ) và đổi chiều bằng một đợt giảm giá mạnh ngay sau đó một vài phiên giao dịch.
Sau khi đặt Lệnh Buy 3 thì có 2 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: bạn vẫn tin rằng giá tiếp tục đi theo xu hướng như dự đoán mặc dù giá đã bắt đầu vượt ra khỏi đường trendline. Thật không may khi giá giảm mạnh và vượt khỏi ngưỡng stop-loss. Tất cả lệnh của bạn đều bị đóng lại. Lúc này, Lệnh Buy 1 lời được 86.5 pips (83.483 – 82.618), Lệnh Buy 2 lời 54.5 pips (83.483 – 82.938) và Lệnh Buy 3 lỗ 6 pips. Kết thúc giao dịch, bạn vẫn lời được 135 pips.
- Trường hợp 2: khi giá vượt ra khỏi đường trendline, chứng tỏ khả năng giá sẽ bắt đầu thay đổi xu hướng trong tương lai, lúc này bạn chốt lời bằng cách đóng tất cả các lệnh tại mức giá 83.655. Lệnh Buy 1 lời được 103.7 pips, Lệnh Buy 2 lời được 71.7 pips và Lệnh Buy 3 lời được 11.2 pips. Kết thúc giao dịch, bạn lời được 186.6 pips.
Ưu/Nhược điểm của chiến lược Pyramid
Ưu điểm
- Nếu giá đi đúng xu hướng đã dự đoán, lợi nhuận sẽ tăng lên rất nhiều lần nhờ đặt nhiều lệnh thay vì chỉ đặt một lệnh như bình thường.
- Rủi ro gặp phải duy nhất là ở lệnh hiện tại (lệnh mới nhất) nếu như thực hiện trailing stop (dời mức stop-loss) cho tất cả các lệnh trước đó bằng với stop-loss của lệnh mới nhất. Nếu không dời stop-loss, tất cả các lệnh đều gặp rủi ro.
Nhược điểm
- Việc đặt nhiều lệnh cùng lúc có thể sẽ khiến cho việc quản lý tất cả các lệnh này khó khăn hơn.
- Thị trường có thể đi đúng hướng như dự đoán nhưng nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc xác định điểm vào lệnh. Nếu vào lệnh không tốt sẽ làm cho lợi nhuận bị giảm đi.
- Tại các thời điểm mà thị trường retest lại các mức kháng cự, nhiều khả năng giá sẽ phá ngưỡng và chạm đến mức stop-loss nhưng giá không đảo chiều, sau khi chạm stop-loss giá lại bắt đầu trở về và ổn định với xu hướng ban đầu, lúc này lệnh của nhà đầu tư bị đóng sớm, bỏ lỡ phần lợi nhuận hấp dẫn phía sau. Nhưng nếu khi giá sắp sửa chạm stop-loss, nhà đầu tư nới stop-loss ra vì tin rằng chắc chắn giá sẽ trở về lại xu hướng cũ, nếu dự đoán sai, mức lỗ sẽ tăng lên do việc nới stop-loss đó.
Một số lưu ý khi sử dụng chiến lược Pyramid
- Trước khi bắt đầu vào lệnh thứ nhất, các bạn phải xác định được sẽ vào tối đa bao nhiêu lệnh với xu hướng giá đã dự đoán.
- Chỉ áp dụng chiến lược Pyramid nếu giá đang trong xu hướng tăng mạnh hoặc giảm mạnh.
- Không nới stop-loss khi giá sắp sửa chạm stop-loss, hãy thực hiện đúng với kế hoạch đã lập ra cho dù lệnh bị đóng sớm, chấp nhận khoản lỗ như mục tiêu ban đầu.
- Để xác định được các điểm vào lệnh, các mức stop-loss và take-profit (đối với lệnh cuối cùng) thì nên kết hợp với các tín hiệu từ các mô hình nến hoặc các chỉ báo khác.
Chiến lược Pyramid – Kim tự tháp thường chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp vì phải liên tục xác định được các điểm vào lệnh sao cho tốt nhất mà điều này thì với một trader mới rất khó. Nếu áp dụng thành công thì tài khoản có thể tăng lên gấp nhiều lần, nhưng nếu thất bại thì tài khoản cũng bị vơi đi rất nhiều lần. Chính vì thế, để sử dụng được chiến lược này thành công trên thị trường, các bạn phải luyện tập rất nhiều và một khi đã tự tin sử dụng chiến lược này thì nên nhớ là không được quá tham lam mà phải biết dừng đúng lúc. Vì thị trường rất ít khi làm hài lòng nhà đầu tư, không phải lúc nào cũng đi theo như những gì chúng ta dự đoán mà lại lên xuống thất thường.