Arbitrage là một chiến lược kinh doanh trong thị trường ngoại hối, nhiều người lầm tưởng Arbitrage với đầu cơ, nhưng thực chất không phải. Cả 2 nghiệp vụ này đều là kinh doanh kiếm lời trên chênh lệch giá, nhưng Arbitrage là nghiệp vụ mà nhà đầu tư không cần phải bỏ vốn và không phải chịu rủi ro về tỷ giá, trong khi đầu cơ phải bỏ vốn và là một chiến lược tiềm ẩn những rủi ro khá lớn. Vậy thì tại sao cùng là kiếm lời trên chênh lệch giá nhưng Arbitrage lại có những đặc tính khác xa hoàn toàn với đầu cơ như thế, thì trong bài viết này, chúng ta sẽ giải đáp điều đó.
Arbitrage là gì?
Arbitrage được biết đến là một chiến lược kiếm lời từ chênh lệch giá. Nghiệp vụ Arbitrage truyền thống xuất hiện trên thị trường ngoại hối, nhà đầu tư lợi dụng sự chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường khác nhau để thu lợi thông qua hoạt động mua và bán. Không những trên thị trường forex mà nghiệp vụ Arbitrage hiện nay cũng được sử dụng rộng rãi trên các thị trường chứng khoán, tiền điện tử và thông qua hình thức M&A (Mua lại và Sáp nhập). Nói tóm lại thì dù ở thị trường nào thì Arbitrage cũng được hiểu một cách đơn giản nhất đó là mua một sản phẩm khi thấy giá của nó thấp hơn ở thị trường này và bán ra với giá cao hơn ở thị trường khác. Tuy nhiên, hoạt động mua bán diễn ra cùng lúc, chính vì thế mà Arbitrage là nghiệp vụ không phải bỏ vốn và không chịu rủi ro tỷ giá.
Nhà đầu tư có thể thu lợi từ kinh doanh chênh lệch giá hay nói cách khác là Arbitrage có thể tồn tại là do sự thiếu hiệu quả của thị trường tức là thị trường hoạt động không hoàn hảo.
Cơ chế Arbitrage điều chỉnh thị trường
Thị trường không hiệu quả tạo ra các nghiệp vụ Arbitrage, nhưng cũng chính những nghiệp vụ này lại kéo thị trường trở về cân bằng và hoạt động hiệu quả trở lại.
Khi một sản phẩm được định giá thấp, những nhà đầu tư Arbitrage “nhảy” vào thị trường để mua, làm cho cầu lớn hơn cung, nhu cầu mua ngày càng tăng từ đó giá sản phẩm cũng bắt đầu tăng lên. Khi giá sản phẩm tăng lên, mức cầu giảm xuống cho đến khi mức cung – cầu được cân bằng, thì giá của sản phẩm trở về đúng giá trị của nó.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, các thị trường forex lớn trên thế giới như New York, London, Tokyo hoạt động ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau và trở nên rất hiệu quả. Chính vì thế, chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường hầu như không có, hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ và chỉ xuất hiện trong tích tắc rồi lại trở về cân bằng bởi sự điều chỉnh cung cầu của thị trường.
Các loại Arbitrage trong thị trường ngoại hối
Có 2 hình thức Arbitrage cơ bản, đó là Arbitrage 2 bên (hay còn gọi là Arbitrage địa phương hay Arbitrage 2 điểm) và Arbitrage 3 bên (hay 3 điểm)
- Arbitrage 2 bên: nghiệp vụ này được thực hiện khi có sự chênh lệch về tỷ giá của cặp forex giữa 2 thị trường khác nhau. Với khái niệm Arbitrage địa phương truyền thống thì Arbitrage địa phương xảy ra khi 2 ngân hàng trong cùng một địa phương niêm yết tỷ giá có sự chênh lệch, tỷ giá mua vào của ngân hàng thứ nhất cao hơn tỷ giá bán ra của ngân hàng thứ hai.
Ví dụ: sự chênh lệch giá giữa 2 ngân hàng trong cùng một địa phương
- Ngân hàng A: tỷ giá của EUR/USD được niêm yết như sau 1.1024/26
- Ngân hàng B: tỷ giá của EUR/USD được niêm yết như sau 1.1032/34
Tỷ giá của 2 đồng tiền tại các ngân hàng thường được niêm yết như trên, luôn có một giá cao và một giá thấp. Các bạn chỉ cần ghi nhớ một điều rằng, ngân hàng sẽ mua ngoại tệ vào với giá thấp và bán ra với giá cao, thì đối với những nhà đầu tư, các bạn sẽ mua ngoại tệ với giá cao và bán ra với giá thấp hơn. Chính vì thế, khi giao dịch tại ngân hàng, bạn sẽ biết được nếu bạn mua ngoại tệ thì tỷ giá được áp dụng là tỷ giá nào.
Tại đây, bạn thấy có sự chênh lệch tỷ giá giữa 2 ngân hàng. Ngân hàng B có giá mua vào (1.1032) cao hơn giá bán ra (1.1026) của ngân hàng A. Nghiệp vụ Arbitrage được thực hiện tại trường hợp này bằng cách mua EUR của ngân hàng A và bán ra tại ngân hàng B. Ví dụ bạn mua 100,000 EUR tại ngân hàng A, số tiền bạn phải trả là 110,260 USD. Sau đó bạn qua ngân hàng B để bán số EUR này, số tiền mà bạn thu được sẽ là 110,320 USD. Kết thúc nghiệp vụ này, số tiền lời bạn có được là 60 USD.
Ví dụ: sự chênh lệch tỷ giá giữa 2 thị trường hay 2 Broker
- Broker A: tỷ giá EUR/USD là 1.1024/26
- Broker B: tỷ giá EUR/USD là 1.1032/34
Nghiệp vụ Arbitrage được thực hiện tương tự như trường hợp trên, tuy nhiên khi giao dịch trên sàn forex, bạn sẽ chịu các loại phí sau: spread (chênh lệch giá mua và bán) và phí hoa hồng. Ở đây chúng ta tạm thời bỏ qua mức phí hoa hồng, cả 2 broker đều có spread trên cặp forex này là 2 pips, nên chi phí giao dịch cho cả 2 sàn sẽ là 40 USD (1 pip = 100,000 x 0.0001 USD). Kết thúc nghiệp vụ, nhà đầu tư thu được 20 USD. Xem Pip là gì? Cách tính pip.
- Arbitrage 3 bên: trường hợp này rất khó để nhìn ra sự chênh lệch giá vì có liên quan đến tỷ giá chéo. Nếu tỷ giá chéo thực trên thị trường khác với tỷ giá chéo trên lý thuyết thì nghiệp vụ Arbitrage 3 bên có thể xảy ra.
Ví dụ:
- Thị trường A, tỷ giá cặp EUR/USD là 1.1024/26
- Thị trường B, tỷ giá cặp EUR/GBP là 0.8554/56
- Thị trường C, tỷ giá cặp USD/GBP là 0.7753/55
Theo lý thuyết thì dựa vào tỷ giá của EUR/USD ở thị trường A và tỷ giá USD/GBP ở thị trường C thì tỷ giá EUR/GBP phải là 0.8547/0.8551, nhưng tỷ giá thực tế tại thị trường B khác với tỷ giá lý thuyết, chính vì thế nghiệp vụ Arbitrage có thể xảy ra.
Giả sử bạn đang có 100,000 USD. Bạn dùng 100,000 USD này để mua EUR với tỷ giá 1.1026 tại thị trường A, bạn sẽ mua được 90,694 EUR. Bạn đem số EUR này bán đi để đổi lấy GBP tại thị trường B với tỷ giá bán 0.8554, bạn có được 77,580 GBP. Cuối cùng, bạn qua thị trường C để bán số GBP đó với tỷ giá 0.7755 và thu được 100,039 USD. Kết quả của nghiệp vụ Arbitrage này bạn thu được 39 USD lợi nhuận
Ngoài ra còn một hình thức Arbitrage nữa, đó là kinh doanh chênh lệch lãi suất có phòng ngừa (CIA). Hình thức này là một kiểu đầu tư ngắn hạn bằng ngoại tệ được đảm bảo bằng hợp đồng kỳ hạn. Arbitrage lãi suất phòng ngừa liên quan trực tiếp đến tỷ giá kỳ hạn và chênh lệch lãi suất giữa 2 quốc gia.
Những hạn chế và rủi ro khi kinh doanh chênh lệch giá Arbitrage
Nếu nghiệp vụ Arbitrage chỉ đơn thuần là mua sản phẩm này với giá thấp hơn tại thị trường A, rồi bán ra với giá cao hơn tại thị trường B thì thật sự không có gì để nói. Tuy nhiên, nghiệp vụ Arbitrage trong thị trường ngoại hối gặp phải khá nhiều hạn chế và rủi ro.
Hạn chế:
- Như đã nói ở phần trên, hiện nay, để tìm kiếm một sự chênh lệch giá trên thị trường là rất khó mà nếu có thì thời gian xuất hiện cũng chỉ vài giây, tự bản thân thị trường sẽ trở về lại mức cân bằng dưới sự điều chỉnh của mối quan hệ cung cầu.
- Nghiệp vụ Arbitrage chỉ dành cho những tổ chức lớn như ngân hàng hay các quỹ đầu tư, vì mức chênh lệch giá là rất nhỏ, nếu chỉ đầu tư với số vốn ít thì lợi nhuận là không đáng kể, chưa tính đến phải chịu các chi phí giao dịch trên thị trường. Các tổ chức lớn họ vừa có nguồn vốn lớn, vừa có tần suất giao dịch cao, có khả năng tìm kiếm sự chênh lệch giá và thực hiện giao dịch một cách nhanh chóng.
Rủi ro:
- Rủi ro của nghiệp vụ Arbitrage được thể hiện ở chỗ: hành động mua và bán phải được thực hiện đồng thời ở 2 thị trường khác nhau. Nhưng trong thực tế, khi giao dịch trên 2 sàn forex, việc thực hiện mua và bán đồng thời tại 2 sàn là một điều rất khó, cho dù nếu có thực hiện được thì việc đóng lệnh tại 2 sàn cũng phải đồng thời, nếu không sẽ bị rủi ro về tỷ giá.
Ví dụ: bạn mua tỷ giá USD/JPY tại sàn A với giá 108.83 và bán USD/JPY tại sàn B với giá 108.89. Lúc này, bạn muốn đóng vị thế cả 2 sàn tại mức giá 109.03 thì ở sàn A bạn lời 20 pips, tại sàn B bạn lỗ 14 pips, bạn vẫn còn lời 6 pips nhờ chênh lệch giá. Tuy nhiên, nếu bạn không thể đóng vị thế ở 2 sàn cùng một lúc, mà tại sàn B bạn thực hiện đóng vị thế bị chậm, lúc này tỷ giá tăng lên 109.10, bạn lỗ 21 pips, vậy thì cả giao dịch bạn bị lỗ 1 pips.
Chính vì thế, Arbitrage trên thị trường forex không hề đơn giản.
- Rủi ro trong sự chênh lệch giá mua và giá bán (spread): xét trong trường hợp trên, giả sử quá trình bạn thực hiện nghiệp vụ Arbitrage diễn ra suôn sẻ, tức là các giao dịch mở và đóng vị thế được thực hiện đồng thời tại 2 thị trường. Nhưng trong thị trường forex luôn tồn tại một loại chi phí đó là spread. Giả sử, spread trên cặp USD/JPY ở cả 2 thị trường đều là 2 pips, thì chi phí mà bạn phải trả là 4 pips, trong khi Arbitrage mang về lợi nhuận 6 pips thì lúc này bạn vẫn còn 2 pips. Nhưng nếu bạn giao dịch tại một sàn forex không uy tín, mức spread cao, chẳng hạn 3 pips mỗi sàn, thì lúc này, bạn sẽ không còn lợi nhuận nữa, bạn thậm chí sẽ bị lỗ nếu như sàn đó tính phí hoa hồng trên mỗi giao dịch.
Hiện nay, nghiệp vụ Arbitrage không thật sự phổ biến và hữu ích đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nếu may mắn nhận ra được sự chênh lệch giá trên thị trường, nhà đầu tư vẫn có thể áp dụng nghiệp vụ này như một chiến lược đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận.