Bollinger Bands là gì? Cách giao dịch với Bollinger Bands

Với một trader phân tích kỹ thuật thì Bollinger Bands không còn là một công cụ quá xa lạ, chỉ báo kỹ thuật này cung cấp thông tin tuyệt vời về sự biến động của giá, có phần vượt trội hơn so với một số các chỉ báo khác như stochastic hay MA…Chính vì thế mà rất nhiều trader, kể cả các trader chuyên nghiệp đều xem chỉ báo này là một phần không thể thiếu trong hệ thống các công cụ phân tích của mình.

Vậy các trader mới thì sao? Các bạn đã biết về chỉ báo này hay đã từng nghiêm túc nghiên cứu sâu về nó hay chưa? Nếu chưa thì bài viết này là dành cho các bạn.

Chỉ báo Bollinger Bands là gì?

Được John Bollinger phát triển vào năm 1983 và chính thức được ông giới thiệu đến cộng đồng trader thế giới thông qua cuốn Bollinger on Bollinger Bands, cho đến ngày nay, Bollinger Bands được ứng dụng rộng rãi trên nhiều thị trường tài chính khác nhau. Với tính hiệu quả và khả năng biến hóa mà chỉ báo này phù hợp với mọi điều kiện thị trường, đặc biệt là có thể kết hợp hài hòa với các chỉ báo khác.

Về cấu trúc, chỉ báo này bao gồm 3 thành phần chính, gọi là 3 dải của Bollinger Bands:

  • Dải giữa (Middle Band) là đường trung bình trượt 20 kỳ với dữ liệu được sử dụng là giá đóng cửa (Close): MA(20)
  • Dải trên (Upper Band) = Dải giữa + 2 x Độ lệch chuẩn
  • Dải dưới (Lower Band) = Dải giữa – 2 x Độ lệch chuẩn

Cách cài đặt chỉ báo Bollinger Bands trong phần mềm MT4

Để mở chỉ báo Bollinger Bands trên phần mềm MT4, các bạn làm theo đường dẫn sau:

Insert –> Indicators –> Trend –> Bollinger Bands.

Cách cài đặt chỉ báo Bollinger Bands trong phần mềm MT4

Hộp thoại cài đặt hiện ra như sau:

chỉ báo Bollinger Bands trong phần mềm MT4

Tab Parameters: hệ thống đã cài đặt sẵn các thông số cho chỉ báo này, các bạn chỉ cần lựa chọn màu sắc và độ dày mỏng cho 3 dải của Bollinger Bands là được.

Tab Level: tab này cho phép các bạn thêm vào các dải khác, ngoài 3 dải chính của chỉ báo. Bấm Add, sau đó nhập giá trị của dải mới vào. Ví dụ: các bạn nhập 0.5 thì đây sẽ là dải nằm chính giữa của Middle Band và Upper Band, nếu là -0.5 thì là dải chính giữa của Middle Band là Lower Band, nếu là 1.5 thì dải mới này sẽ cách Upper Band một khoảng bằng 1.5 khoảng cách từ Middle Band đến Upper Band…Sau đó lựa chọn màu sắc và độ dày mỏng cho dải mới này. Tùy vào từng chiến lược cụ thể mà các bạn có thể thêm bao nhiêu dải tùy ý, tuy nhiên, với Bollinger Bands thì 3 dải chính của chỉ báo là đủ.

Tab Visualization:cài đặt khung thời gian cho chỉ báo. Muốn Bollinger Bands hiển thị trên khung thời gian nào thì bấm chọn vào khung thời gian đó.

Sau một tab, các bạn nhớ bấm OK để hoàn tất cài đặt.

Các tính chất của chỉ báo Bollinger Bands

Dựa vào đặc điểm từng dải của Bollinger Bands mà chỉ báo này có một số tính chất nhất định:

  • Phần lớn các mức giá trên thị trường đều nằm trong giới hạn của dải trên và dải dưới nên 2 dải này đóng vai trò như các ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ của giá.
  • Khi khoảng cách giữa các dải của Bollinger Bands giãn rộng ra thì là lúc thị trường đang biến động mạnh, ngược lại nếu các dải Bollinger Bands bị bó hẹp lại (nút thắt cổ chai hay squeeze) thì đó là lúc thị trường ít biến động.
  • Dải giữa là đường trung bình nên nếu giá nằm phía trên Middle Band thì sẽ có xu hướng tăng, ngược lại nếu giá nằm dưới Middle Band thì sẽ có xu hướng giảm.
Xem thêm:  EMA là gì? Cách giao dịch với đường EMA trong forex

Nhà đầu tư dựa vào các đặc điểm này để hình thành các ý tưởng giao dịch bằng việc dự đoán xu hướng giá và tìm điểm vào lệnh hợp lý.

Tuy nhiên, cũng khá nhiều trader phạm phải sai lầm khi giao dịch dựa vào các đặc điểm này một cách quá cứng nhắc. Chẳng hạn:

  • Thứ nhất: Vào lệnh Buy khi giá chạm band dưới và vào lệnh Sell khi giá chạm band trên. Ý tưởng này xuất phát từ đặc điểm thứ nhất của chỉ báo Bollinger Bands. Tuy rằng phần lớn các mức giá đều nằm bên trong giới hạn 2 dải trên và dưới của chỉ báo nhưng không có nghĩa rằng mỗi khi giá chạm band trên sẽ quay đầu giảm hoặc khi giá chạm band dưới sẽ đảo chiều tăng.

chỉ báo Bollinger Bands trong phần mềm MT4

Các vị trí được đánh dấu bằng các ô vuông trong hình là những lúc giá chạm vào Upper Band rồi đi xuống hoặc chạm vào Lower Band rồi đi lên, nếu các bạn vào lệnh tại những điểm này thì sẽ có lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng xảy ra, chẳng hạn như vị trí được đánh dấu bằng hình tròn. Tại đây, giá đã chạm Lower Band nhưng vẫn tiếp tục xu hướng giảm, một lệnh Sell trong tình huống này sẽ khiến trader gặp nhiều rủi ro.

Phương pháp giao dịch theo tính chất này chỉ có hiệu quả trong thị trường sideway, ngược lại khi giá đang ở một xu hướng mạnh mẽ thì tính chất này không còn phù hợp.

  • Thứ hai: vào lệnh Buy khi giá cắt Middle Band đi lên và vào lệnh Sell khi giá cắt Middle Band đi xuống. Ý tưởng này đến từ tính chất thứ 3 của chỉ báo Bollinger Bands, giá nằm phía trên đường trung bình sẽ có xu hướng tăng, ngược lại nếu nằm dưới đường trung bình sẽ có xu hướng giảm.

Các tính chất của chỉ báo Bollinger Bands

Trong đa số các trường hợp thì giá sẽ tuân thủ theo tính chất này, tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ thu được lợi nhuận cao khi thị trường biến động mạnh, nếu thị trường biến động thấp thì lợi nhuận sẽ không đủ để bù đắp chi phí giao dịch. Cho nên, đối với các trader mới, chúng tôi không khuyến khích các bạn giao dịch theo tính chất này của chỉ báo Bollinger Bands.

Cách giao dịch hiệu quả với chỉ báo Bollinger Bands

Có rất nhiều cách giao dịch với Bollinger Bands, 2 chiến lược giao dịch ở phần trên cũng là những cách tiếp cận với chỉ báo này. Tuy nhiên, như đã phân tích, 2 chiến lược đó chỉ hiệu quả trong một số điều kiện thị trường nhất định và nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro nếu gặp phải những trường hợp đánh lừa từ thị trường.

Ở phần này, chúng tôi sẽ trình bày một số cách giao dịch hiệu quả nhất khi sử dụng chỉ báo Bollinger Bands.

Giao dịch với tín hiệu giá phá vỡ Bollinger Bands Squeeze

Khi 2 dải trên và dưới của Bollinger Bands co lại tạo thành nút thắt cổ chai thì cũng là lúc thị trường rơi vào trạng thái tích lũy, cả 2 phe mua và bán lúc này đang củng cố lực lượng để đẩy giá đi xa hơn theo xu hướng kỳ vọng. Phe nào chiến thắng, giá sẽ phá vỡ vùng nút thắt và đi theo hướng của phe đó. Trader sẽ thu được khá nhiều lợi nhuận nếu vào lệnh thành công với tín hiệu này.

Chiến lược giao dịch như sau:

  • Xác định thị trường đang rơi vào trạng thái tích lũy: Bollinger Bands bó hẹp lại
  • Chờ đợi tín hiệu phá vỡ vùng squeeze của Bollinger Bands: nếu giá đóng cửa phía trên Upper band thì khả năng giá sẽ phá vỡ đi lên, ngược lại, nếu giá đóng cửa phía dưới Lower band thì khả năng giá sẽ phá vỡ đi xuống,
  • Vào lệnh Buy khi giá phá vỡ đi lên, stop loss tại đáy gần nhất trước đó hoặc tối đa 1-2% tổng vốn chủ sở hữu của tài khoản. Take profit với tỷ lệ Risk:Reward ít nhất là 1:2. Và ngược lại với lệnh Sell.
Xem thêm:  Nến Doji là gì? Các biến thể của nến Doji

Giao dịch với tín hiệu giá phá vỡ Bollinger Bands Squeeze

Cây nến breakout là một cây nến giảm với thân nến khá lớn, điều này chứng tỏ phe bán đang cố gắng tạo áp lực đẩy giá đi xuống. Khi breakout bar đóng cửa thì các bạn có thể vào lệnh Sell và đặt stop loss như trên hình. Nếu vào lệnh chính xác, các bạn có thể kiếm được lợi nhuận cao từ giao dịch này.

Hay trong những tình huống dưới đây:

Giao dịch với tín hiệu giá phá vỡ Bollinger Bands Squeeze

Giá phá vỡ vùng squeeze và tăng mạnh lên, sau đó bắt đầu tích lũy, tạo thành vùng squeeze mới rồi lại bị phá vỡ và giảm mạnh xuống. Những tình huống này xảy ra rất thường xuyên trên thị trường forex, nếu tận dụng được cơ hội, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận rất lớn.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra lúc này đó là: “ Tại thời điểm giá đóng cửa ra ngoài biên giới 2 dải trên và dưới, nhà đầu tư có chắc chắn rằng đó chính là breakout bar và có mạo hiểm để vào lệnh? Hay đợi đến lúc sự phá vỡ đã xảy ra rất rõ ràng thì lợi nhuận đã giảm đi đáng kể?”

Không ai có thể phủ nhận những gì mà Bollinger Bands mang lại cho trader nhưng nếu chỉ sử dụng công cụ này độc lập thì hiệu quả mang lại sẽ không cao. Các tín hiệu mà Bollinger Bands mang lại có xác suất thành công lớn, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, vì thế, sử dụng một chỉ báo, hay một phương pháp phân tích khác như mô hình giá, mô hình nến hay đường xu hướng… sẽ giúp cho tín hiệu nhận được từ Bollinger Bands được xác nhận lại một cách chắc chắn hơn, đồng thời, nếu nhận biết sớm tín hiệu giao dịch thì nhà đầu tư sẽ chủ động hơn trong việc đặt lệnh, từ đó, lợi nhuận sẽ cao hơn.

  • Kết hợp Bollinger Bands với trendline

Kết hợp Bollinger Bands với trendline

Sau khi xác định thị trường đang trong giai đoạn tích lũy, 2 dải của Bollinger Band bắt đầu bó hẹp lại, chúng ta có quyền dự đoán rằng giá sẽ bức phá sau đợt tích lũy này, nhưng lại không biết nó sẽ đi theo hướng nào.

Tại đây, các bạn tiến hành xác định xu hướng chung của thị trường. Thu nhỏ đồ thị giá lại thì chúng ta có thể dễ dàng nhận định đây là một xu hướng giảm. Các bạn vẽ đường trendline cho xu hướng giảm. Đường trendline trong tình huống này đóng vai trò là một ngưỡng kháng cự mạnh do giá nhiều lần chạm ngưỡng và quay đầu, chính vì thế, khi giá chạm vào trendline một lần nữa thì khả năng cao là giá sẽ đảo chiều đi xuống.

Khi cây nến đỏ chạm vào trendline và đóng cửa phía dưới Lower band thì các bạn có thể tự tin rằng đây chính là cây nến breakout và giá sẽ phá vỡ đi xuống. Vào lệnh Sell tại giá đóng cửa của breakout bar hoặc khi cây nến xác nhận kết thúc, stop loss như trên hình.

Với sự hỗ trợ của trendline, các bạn có thể xác nhận lại tín hiệu breakout vùng squeeze một cách chắc chắn hơn, từ đó vào lệnh nhanh hơn, thu nhiều lợi nhuận hơn.

  • Kết hợp Bollinger Bands với mô hình nến đảo chiều

Bollinger Bands

Khi Bollinger Bands bắt đầu bó hẹp lại, các bạn hãy chuẩn bị tâm lý để giao dịch với tín hiệu breakout vùng squeeze này. Nhưng thật khó để dự đoán giá sẽ phá vỡ theo hướng nào. Ngay lúc này, mô hình Bullish Engulfing xuất hiện, cộng với xu hướng chung của thị trường đang là giảm thì khả năng giá sẽ đảo chiều tăng. Kết hợp 2 tín hiệu này lại với nhau, chúng ta có thể tự tin rằng giá sẽ phá vỡ vùng squeeze theo hướng đi lên. Nếu mạo hiểm, các bạn có thể vào lệnh Buy ngay khi mô hình Bullish Engulfing kết thúc, lợi nhuận sẽ cao hơn khi chờ đợi sự phá vỡ của breakout bar.

Xem thêm:  Mô hình nến Hanging Man – Nến người treo cổ

Ngoài ra, các bạn còn có thể sử dụng Bollinger Bands với những chỉ báo kỹ thuật như RSI hay những mô hình nến đảo chiều khác.

Qua 2 ví dụ trên về sự kết hợp giữa Bollinger Bands và những công cụ phân tích khác, các bạn có nhận ra một điểm chung là gì không?

Đó chính là XU HƯỚNG. Việc xác định xu hướng chung của thị trường là vô cùng quan trọng, nắm được xu hướng chung, trader sẽ không bị đánh lừa bởi những tín hiệu giả từ thị trường.

Xác định xu hướng của thị trường không hề đơn giản, một công cụ hỗ trợ rất tốt trong việc này chính là đường xu hướng trendline.

Giao dịch với dải Middle band

Trong thực tế, phần lớn thời gian giao dịch trên thị trường, giá luôn luôn dao động quanh đường trung bình trượt MA, nghĩa là rất hay cắt dải giữa của Bollinger Bands, chính vì thế mà chúng tôi không bao giờ khuyên các bạn nên giao dịch với tín hiệu giá cắt Middle band như đã trình bày ở phần ý nghĩa của Bollinger Bands.

Bên cạnh đó, sẽ có những lúc giá duy trì ở phía trên hoặc phía dưới dải giữa một thời gian khá lâu, và theo tính chất của Bollinger Bands thì nếu giá nằm trên Middle band sẽ có xu hướng tăng, nằm dưới Middle bands sẽ có xu hướng giảm. Vì thế, giá duy trì ở trên hoặc dưới Middle Band càng lâu thì xu hướng càng mạnh, đây sẽ là cơ hội để trader mang về lợi nhuận cao.

Ví dụ:

Giao dịch với dải Middle band

Ở giai đoạn đầu, giá liên tục nằm phía dưới Middle band và tạo ra một xu hướng giảm mạnh. Qua giai đoạn sau, giá lại liên tục nằm trên Middle band, hình thành một xu hướng tăng mạnh. Sự chuyển giao giữa 2 xu hướng này xảy ra khi giá phá vỡ Middle band, tức là tăng lên và đóng cửa phía trên đường này, kết thúc một xu hướng giảm mạnh và bắt đầu một xu hướng tăng mạnh. Tất nhiên là tình huống này không thường xuyên xảy ra, nhưng giá liên tục nằm trên hoặc dưới Middle band thì lại rất hay tồn tại trên thị trường này.

Vậy thì, chiến lược này sẽ được thực hiện như thế nào?

Khi giá liên tục nằm dưới và không thể vượt qua khỏi Middle band thì dải giữa lúc này đóng vai trò như một đường kháng cự. Ngược lại sẽ là một đường hỗ trợ. Cách thực hiện chiến lược này cũng chính là cách mà chúng ta sẽ giao dịch với ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.

Lưu ý: chiến lược này chỉ có hiệu lực khi Middle band là một mức cản mạnh, nghĩa là phải có ít nhất 2 lần giá chạm ngưỡng và quay đầu.

Giao dịch với dải Middle band

Giá nhiều lần quay đầu khi chạm dải giữa, chứng tỏ đây là một ngưỡng kháng cự mạnh. Vào lệnh Sell khi giá chạm vào Middle band một lần nữa. Đặt stop loss tại đỉnh gần nhất trước đó và take profit khi giá phá vỡ Middle band (như hình trên).

Nếu các bạn bắt đầu tìm hiểu về Bollinger Bands trên các trang mạng internet thì sẽ thấy rất nhiều cách giao dịch khác nhau với chỉ báo này, nhưng tại sao chúng tôi chỉ trình bày có 2 cách giao dịch như trên. Không phải là những cách khác không đúng nhưng như đã phân tích ở những phần trước, lợi nhuận thu được sẽ không nhiều mà lại rủi ro. Giao dịch với 2 tín hiệu mà chúng tôi đã trình bày sẽ đòi hỏi các bạn phải kết hợp thêm những công cụ khác, đồng thời biết cách xác định chính xác xu hướng của thị trường, mà điều này thì đòi hỏi các bạn phải luyện tập thật nhiều, sử dụng thường xuyên để tạo thói quen giao dịch với Bollinger Bands. Đây chỉ là những cách giao dịch mà chúng tôi đã đúc kết được trong cả quá trình tìm hiểu và thực nghiệm đầu tư của mình trên thị trường này, hy vọng các bạn sẽ áp dụng chúng một cách hiệu quả nhất.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *