Nếu bạn quan tâm đến thị trường tài chính hoặc thị trường forex thì chắc chắn đã từng nghe đến hợp đồng chênh lệch CFD. Công cụ này hiện nay rất phổ biến và được phép giao dịch tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tìm hiểu về CFD là bước cơ bản đầu tiên để bạn có thể bước chân vào một thị trường tiềm năng như thị trường forex khi mà hầu hết các giao dịch trên những sàn forex hiện này đều là các giao dịch bằng CFD. Bài viết sau sẽ giúp các bạn hình dung rõ nhất về CFD và những lợi ích cũng như rủi ro mà hợp đồng chênh lệch này mang lại.
CFD là gì?
CFD hay Hợp đồng chênh lệch (Contract For Difference) là một công cụ phái sinh, hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán về việc phải thanh toán cho bên còn lại phần chênh lệch giữa giá trị của một loại tài sản cụ thể ở thời điểm hợp đồng được mở và giá trị của tài sản khi hợp đồng kết thúc.
Tài sản cơ sở của một CFD chính là một loại tài sản tài chính bất kỳ, chẳng hạn như vàng, cổ phiếu, trái phiếu, dầu, hàng hóa và tiền tệ…
Bản thân của một Hợp đồng chênh lệch CFD không có giá trị và giá của nó phụ thuộc một phần vào giá của các tài sản cơ sở.
Nếu giá của tài sản cơ sở tại thời điểm kết thúc hợp đồng cao hơn so với thời điểm hợp đồng được mở thì người bán sẽ chi trả phần chênh lệch đó cho người mua và ngược lại.
CFD cho phép các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trên sự biến động của giá mà không cần phải nắm giữ tài sản.
Với các hình thức đầu tư truyền thống, khi muốn đầu tư vào một tài sản cụ thể như cổ phiếu, vàng hay dầu, các bạn sẽ mua các tài sản đó ở giá thấp, lúc này các bạn đang sở hữu các loại tài sản đó. Khi giá lên, các bạn sẽ bán ra để thu lợi nhuận từ phần chênh lệch giá lúc mua và bán.
Trong giao dịch CFD, các khái niệm mua và bán lúc này chỉ mang tính tương đối mà thực ra đó là việc các bạn mở hoặc đóng một vị thế giao dịch hay còn gọi là đặt lệnh/đóng lệnh giao dịch. Mở một vị thế khi kỳ vọng giá tăng để thu lợi nhuận thì gọi là Long (Mua) còn mở một vị thế khi kỳ vọng giá giảm để thu lợi nhuận thì gọi là Short (Bán).
Ví dụ: bạn kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên sau 1 tháng, bạn mở vị thế Long (đặt lệnh Mua), sau 1 tháng, giá vàng tăng, bạn đóng vị thế và thu được lợi nhuận từ phần chênh lệch giá. Ngược lại, bạn kỳ vọng giá vàng sẽ giảm sau 1 tháng, bạn mở vị thế Short (đặt lệnh Bán), sau 1 tháng, giá vàng giảm, bạn đóng vị thế và thu được lợi nhuận từ phần chênh lệch giá đó.
Bản chất của việc mở và đóng các vị thế có thể được giải thích như sau:
Đối với trường hợp vị thế Long, trường hợp này giống như bạn đang có 3 triệu, bạn dùng số tiền này để mua một chỉ vàng (mở vị thế/mở lệnh), sau 1 tháng, giá vàng tăng lên 3.3 triệu, bạn bán ra (đóng vị thế/đóng lệnh) và lời được 300 nghìn. Đối với vị thế Short, bạn đang có một chỉ vàng, bạn bán (mở lệnh) với giá 3 triệu, sau 1 tháng, giá vàng giảm còn 2.7 triệu, bạn mua lại một chỉ vàng (đóng lệnh), lúc này bạn chỉ phải trả 2.7 triệu, giao dịch này đem lại cho bạn khoảng lợi nhuận 300 nghìn. Hành vi là như nhau, chỉ khác ở chỗ một bên là bạn đang nắm giữ tài sản thật, và một bên là không cần phải nắm giữ tài sản.
Đặc điểm của Hợp đồng chênh lệch CFD
Là một công cụ phái sinh, nên CFD có những đặc điểm của một sản phẩm phái sinh, hơn nữa loại Hợp đồng này còn mang một số đặc điểm đặc trưng khác.
Thời gian đáo hạn/kết thúc hợp đồng
Phần lớn các giao dịch CFD không có ngày đáo hạn, thời gian kết thúc giao dịch phụ thuộc vào thời điểm mà nhà đầu tư đóng vị thế (đóng lệnh), ngoại trừ CFD các hợp đồng tương lai hàng hóa, loại hợp đồng này có ngày đáo hạn, nhưng các bạn vẫn có thể đóng giao dịch trước thời hạn của hợp đồng.
Một trường hợp mà giao dịch CFD có thể bị đóng trước khi các bạn thực hiện đóng vị thế, đó là lúc số dư tài khoản không đủ để thực hiện giao dịch.
Tài sản cơ sở của CFD
Thị trường CFD rất đa dạng do có rất nhiều loại tài sản có thể được giao dịch bằng các CFD. Các tài sản đó có thể là tiền tệ (cặp tỷ giá), cổ phiếu, vàng, dầu, trái phiếu, chỉ số, tiền điện tử…
CFD tiền tệ (các cặp tỷ giá) thì gọi là Forex, CFD cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số…thì gọi là chứng khoán phái sinh, CFD các loại hàng hóa (vàng, dầu, nông sản…) thì gọi là CFD hàng hóa.
Khối lượng giao dịch hay kích thước hợp đồng
Khối lượng giao dịch CFD được tính theo đơn vị lô (lot). Đối với mỗi loại tài sản cơ sở khác nhau thì giá trị của lô (lot) cũng sẽ khác nhau.
Ví dụ:
Forex, 1 lô = 100.000 đơn vị tiền tệ của đồng tiền cơ bản, ví dụ cặp tỷ giá EUR/USD thì 1 lô = 100.000 EUR
Vàng, 1 lô = 100 ounces
Chỉ số, cổ phiếu…, 1 lô = 1 CFD (1 Hợp đồng)
Trên thị trường, các sàn forex cho phép bạn giao dịch CFD với khối lượng nhỏ hơn 1 lot như 0.1 lot hay 0.01 lot.
Chi phí giao dịch
Khi giao dịch CFD trên các sàn giao dịch forex, nhà đầu tư phải trả 3 loại chi phí:
Spread: là chênh lệch giữa giá mua (Ask) và giá bán (Bid), mỗi tài sản cơ sở trên thị trường đều được biểu thị bởi 2 loại giá đó. Khi mở vị thế Long (đặt lệnh Mua) thì áp dụng giá Ask, khi đóng vị thế thì áp dụng giá Bid và ngược lại. Giá Ask luôn lớn hơn hoặc bằng giá Bid.
Phí hoa hồng: phí này được tính trên mỗi lần mở hoặc đóng lệnh giao dịch. Mức phí hoa hồng này thường không cố định mà tùy thuộc vào từng sàn, từng loại sản phẩm, sẽ có mức giá khác nhau, dao động từ 7$-10$/lot cho 2 chiều (mở lệnh và đóng lệnh).
Phí qua đêm (swap): là lãi suất mà các bạn phải trả khi mở giao dịch qua đêm. Phí này phụ thuộc vào cách tính lãi suất của mỗi sàn, thường thì đa số các cặp tỷ giá khi giao dịch sẽ bị tính phí swap trên lệnh Buy và được chiết khấu (hoàn phí) trên lệnh Sell, một số trường hợp đặc biệt khác như cặp USD/JPY thì bị tính phí với lệnh Sell nhưng được hoàn phí với lệnh Buy, hay đối với các chỉ số chứng khoán thì đều bị tính phí cho cả 2 lệnh Buy và Sell. Phí này sẽ được trừ đi hoặc cộng thêm trực tiếp vào lợi nhuận.
Cách giao dịch CFD trên thị trường ngoại hối
Để giao dịch CFD trên thị trường ngoại hối, điều đầu tiên là các bạn phải lựa chọn một sàn forex uy tín và mở một tài khoản giao dịch.
Tiếp theo là lựa chọn tài sản cơ sở cho các giao dịch CFD. Để hạn chế rủi ro, các bạn có thể đa dạng hóa danh mục của mình bằng cách đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau.
Ở đây chúng tôi chỉ lấy ví dụ giao dịch CFD ở một loại tài sản cơ sở cụ thể, để cho bạn hiểu rõ hơn vấn đề này.
Nếu dự đoán giá của tài sản đó sẽ tăng trong tương lai, các bạn đặt một lệnh mua, lệnh này bao gồm các thông tin như khối lượng giao dịch/kích thước hợp đồng và giá khớp lệnh (có thể là giá hiện tại của thị trường hoặc một mức giá bất kỳ mà bạn có thể đặt bằng các loại lệnh nâng cao được cung cấp trên sàn). Sau khi mở lệnh xong, việc của bạn là chờ đợi sự thay đổi của giá. Nếu sau 1 ngày, 1 giờ hoặc thậm chí vài phút, giá của tài sản đó tăng lên, bạn có thể đóng lệnh ngay lúc này để chốt lợi nhuận. Trường hợp giá đi ngược lại với dự đoán, bạn cũng có thể đóng lệnh bất cứ lúc nào để hạn chế rủi ro. Lệnh Bán được thực hiện ngược lại.
Trên đây chỉ là cách mà bạn giao dịch với các CFD. Việc giao dịch các CFD còn liên quan đến rất nhiều khái niệm và những vấn đề khác. Các bạn có thể tham khảo các bài viết dưới đây:
- Forex là gì? Tìm hiểu về thị trường giao dịch ngoại hối.
- Pip là gì? Cách tính giá trị của pip trong forex.
- Bid, Ask là gì? Spread là gì?
- Lot là gì? Giao dịch bao nhiêu lot là đủ?
- Đầu tư forex. Hướng dẫn cách đầu tư cho người mới.
- Các sàn forex tốt nhất Việt Nam 2020
Ưu/Nhược điểm của giao dịch CFD
Ưu điểm
- Một trong những ưu điểm nổi bật của CFD là giao dịch sử dụng đòn bẩy. Tỷ lệ đòn bẩy cho phép nhà đầu tư giao dịch với số tiền lớn hơn số dư của tài khoản. Tuy nhiên, sử dụng đòn bẩy cũng có tính 2 mặt, lợi nhuận lớn sẽ luôn đi kèm với rủi ro.
- Có thể tìm kiếm lợi nhuận bất kể thị trường đi lên hay xuống. Lợi nhuận từ CFD chính là sự chênh lệch giá, chính vì thế chỉ cần thị trường biến động là nhà đầu tư có thể có lợi nhuận.
- Thị trường CFD đa dạng: sự đa dạng của các tài sản cơ sở kéo theo sự đa dạng của các CFD
- Giao dịch CFD mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần có một chiếc máy tính có kết nối mạng, hoặc một chiếc điện thoại smartphone là có thể giao dịch CFD. Ngoại trừ CFD cổ phiếu phải phụ thuộc vào giờ mở/đóng cửa của các sàn giao dịch chứng khoán, các CFD còn lại thường giao dịch 24/5 riêng CFD tiền điện tử giao dịch 24/7.
- Là một công cụ đầu tư ngắn hạn và lướt sóng tuyệt vời. Đặc biệt với thị trường forex, giá cả luôn biến động không ngừng, nên các nhà giao dịch CFD có thể tìm kiếm lợi nhuận chỉ trong vòng 1 phút, thậm chí là vài chục giây.
- Được hỗ trợ những nền tảng và điều kiện giao dịch tiên tiến, hiện đại. Với sự có mặt của hơn 300 sàn forex trên thế giới cho phép giao dịch CFD, chính sự cạnh tranh này tạo điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn được một sàn forex uy tín và cung cấp những điều kiện tốt nhất hiện nay.
Nhược điểm
CFD là công cụ tài chính phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như:
- Rủi ro đến từ thị trường: thị trường càng biến động càng dễ đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng nếu thị trường đi ngược lại xu hướng mà bạn dự đoán thì các bạn sẽ bị thua lỗ.
- Rủi ro đòn bẩy: như đã nói, đòn bẩy mang tính 2 mặt. Vì các CFD có sử dụng đòn bẩy nên nếu thua lỗ, số tiền mất đi sẽ rất nhiều. Những lúc thị trường biến động mạnh, tỷ lệ đòn bẩy còn có khả năng khiến tài khoản của bạn bị âm.
- Rủi ro đến từ sàn giao dịch: hiện nay có rất nhiều sàn forex dỏm, không uy tín, nếu giao dịch CFD trên các sàn như thế, lợi nhuận không những bị giảm đi mà rủi ro về tài khoản lại còn rất lớn.
Thực tế, giao dịch CFD không quá phức tạp về cách thức tham gia như cách đặt lệnh, đóng lệnh chẳng hạn. Tuy nhiên, bản thân công cụ tài chính này lại rất phức tạp, chứa nhiều rủi ro do sự biến động không ngừng của các tài sản cơ sở. Chính vì thế, giao dịch CFD không đơn giản chỉ là chỉ dự đoán giá tăng hay giảm như việc chơi xúc xắc. Mà nó đòi hỏi các bạn phải có kiến thức, am hiểu về thị trường, nhằm dự đoán xu hướng giá một cách đúng đắn nhất. Nên đầu tư vào kiến thức chính là cách tốt nhất để bạn thành công trong thị trường giao dịch CFD nói chung và forex nói riêng. Tại website sanforex, có rất nhiều các bài viết, các hướng dẫn giao dịch từ cơ bản đến nâng cao, nếu là người mới bạn hãy tham khảo các bài viết của chúng tôi để bổ sung kiến thức cho bản thân, bạn nhé! Chúc các bạn thành công!