Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là 2 trường phái phân tích khác nhau được nhà đầu tư trên các thị trường tài chính sử dụng để dự đoán hướng đi của giá cả các tài sản trên thị trường. Trong phạm vi của bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trường phái phân tích cơ bản trong thị trường forex và động thái của nhà đầu tư đứng trước các tin tức được công bố trên thị trường.

phân tích cơ bản là gì
phân tích cơ bản là gì

Phân tích cơ bản là gì?

Trước khi đi vào tìm hiểu khái niệm của phân tích cơ bản, các bạn cần phân biệt giữa phân tích cơ bản trong đầu tư cổ phiếu và phân tích cơ bản trong đầu tư forex, trong đó phân tích cơ bản cổ phiếu thường quen thuộc hơn đối với chúng ta. Mặc dù cả 2 có một số điểm chung nhưng khác biệt rất rõ về đối tượng và mục đích phân tích.

Phân tích cơ bản trong đầu tư cổ phiếu là việc nhà đầu tư nghiên cứu báo cáo tài chính và tỷ số lợi nhuận của doanh nghiệp từ đó đánh giá tiềm năng phát triển của một công ty và xác định xu hướng biến động của giá cổ phiếu trên thị trường.

Phân tích cơ bản trong đầu tư forex thì liên quan đến việc nghiên cứu các yếu tố kinh tế vĩ mô, các yếu tố chính trị, xã hội của một quốc gia để đánh giá sức mạnh của một nền kinh tế, từ đó xác định giá trị đồng tiền nội tệ của quốc gia đó và dự đoán xu hướng biến động của các tỷ giá có liên quan trên thị trường ngoại hối.

Cơ sở hay lý thuyết tiền đề của trường phái phân tích cơ bản

Cơ sở của phân tích cơ bản trong thị trường forex (và các thị trường tài chính khác) đó là giá cả của một tài sản được giao dịch trên thị trường có thể khác với giá trị nội tại (hay giá trị thực) của tài sản đó. Chính vì thế mà thị trường tài chính đôi khi định giá sai về giá trị của tài sản làm cho giá cả trên thị trường lúc thì thấp hơn, lúc thì cao hơn so với giá trị thực. Quan điểm của các nhà phân tích cơ bản là dù tài sản có đang bị định giá cao hơn hay thấp hơn thì đến một lúc nào đó tài sản sẽ về với đúng giá trị thực của nó, và nhà đầu tư dựa vào lý luận này để tìm ra giá trị thực của tài sản, so sánh với mức giá thị trường hiện tại sau đó xác định các cơ hội đầu tư. Trong khi trường phái phân tích kỹ thuật chỉ quan tâm đến giá cả thị trường, không cần biết giá trị nội tại của tài sản là gì.

Xem bài viết Phân tích kỹ thuật là gì?

Ngoài cơ sở lý thuyết đó thì nhà đầu tư phân tích cơ bản còn dựa vào một số nguyên lý về giá cả trên thị trường như: giá không bao giờ thay đổi mà không có nguyên nhân, có thể dự đoán được tác động của các yếu tố khác nhau đến giá cả hay các sự kiện bất ngờ có thể ảnh hưởng đến giá cả nhưng rất khó dự đoán…

Các yếu tố tác động đến tỷ giá trên thị trường ngoại hối

Phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô, các sự kiện chính trị xã hội chính là điểm mấu chốt của phân tích cơ bản.

Các yếu tố kinh tế

Giá trị đồng tiền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nền kinh tế của quốc gia đó, một quốc gia có nền kinh tế phát triển thì đồng tiền của quốc gia đó sẽ trở nên có giá trị hơn. Sức mạnh của nền kinh tế lại phụ thuộc vào các chỉ số như: lãi suất, lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp…bất kỳ một chỉ số kinh tế nào thay đổi cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của đồng tiền nội tệ từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá các cặp forex trên thị trường.

Xem thêm:  Giá Bid, giá Ask là gì? Spread là gì?
phân tích cơ bản chứng khoán là gì
phân tích cơ bản chứng khoán là gì
  • Lãi suất: lãi suất là một chỉ số kinh tế rất quan trọng trong phân tích cơ bản forex. Có rất nhiều loại lãi suất, nhưng trong phân tích forex, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều nhất đến lãi suất chiết khấu, là lãi suất mà ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay, các ngân hàng thương mại lấy đó làm cơ sở để ấn định lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân khác. Một chính sách giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn để mở rộng sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong dài hạn, một lãi suất thấp sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát do có quá nhiều tiền mặt lưu thông trên thị trường khiến cho đồng nội tệ bị mất giá. Ngược lại, một chính sách tăng lãi suất sẽ làm cho đồng nội tệ tăng giá.
  • Lạm phát: lạm phát là khi có quá nhiều tiền đang lưu thông trên thị trường và vượt quá mức cần thiết làm cho đồng nội tệ mất giá. Ngược lại với lạm phát là giảm phát, trong thời gian thị trường giảm phát, giá trị của tiền tệ tăng lên, giá hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn. Giảm phát trong thời gian ngắn là một yếu tố tích cực nhưng về lâu dài, giảm phát tác động không tốt đến nền kinh tế vì quá ít tiền lưu thông sẽ không đủ để giao dịch, không tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, mỗi một quốc gia đều đặt mục tiêu về một tỷ lệ lạm phát được coi là tốt và họ luôn cố gắng để đưa mức lạm phát về đúng tỷ lệ đó. Ở các quốc gia phát triển thì tỷ lệ lạm phát tốt thường là 2%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển thì có thể từ 5% đến 7%.
  • GDP (Tổng sản phẩm quốc nội): là chỉ số kinh tế đo lường tổng giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Một sự tăng trưởng về GDP chưa đủ điều kiện để xác định sự phát triển của nền kinh tế vì GDP chỉ phản ánh được mức cung về hàng hóa và dịch vụ mà không thể hiện được mức cầu hay mức tiêu thụ. Để đánh giá chính xác sự phát triển của quốc gia cần phải xem xét đầy đủ cả 2 yếu tố cung và cầu, nếu chỉ dựa vào GDP thì sẽ không thật sự chính xác. Nếu GDP tăng nhưng mức tiêu thụ không tăng thì đây không hẳn là một nền kinh tế vững mạnh. Đối với các trader, một sự tăng trưởng trong GDP phải phù hợp với các chỉ số kinh tế khác nữa thì mới đánh giá được nền kinh tế đó phát triển và giá trị của tiền tệ mới tăng lên.
  • Tỷ lệ thất nghiệp: đây cũng là một chỉ số quan trọng trong phân tích cơ bản forex. Một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao tức là có nhiều người không có việc làm, điều này đồng nghĩa với nền kinh tế đang không ổn định và kém phát triển, giá trị đồng nội tệ bị giảm đi.
phân tích cơ bản chứng khoán
phân tích cơ bản chứng khoán

Các yếu tố chính trị

Các yếu tố chính trị của một quốc gia cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị đồng nội tệ của quốc gia đó, vì thế nó ảnh hưởng đến tỷ giá trên thị trường forex. Một số sự kiện chính trị ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ như cuộc đảo chính, xung đột quân sự, kết quả bầu cử, đình công…Một sự bất ổn trong hệ thống chính trị sẽ làm suy yếu đồng tiền của quốc gia đó hay kết quả của bầu cử cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trị của đồng nội tệ.

Xem thêm:  Nến Nhật là gì? Các mô hình nến Nhật thường gặp

Trong phân tích cơ bản forex, vai trò của các sự kiện chính trị là tương đối nhỏ, các nhà đầu tư thường xem các sự kiện này là một yếu tố bổ sung có tác động lớn trong dài hạn, trong khi ở ngắn hạn, nhà đầu tư sẽ tập trung phân tích các yếu tố kinh tế.

Các sự kiện bất ngờ

Thiên tai, bão lũ…là các sự kiện bất ngờ có thể ảnh hưởng đến giá trị của đồng nội tệ, tuy nhiên, sự tác động này rất khó xác định được chiều hướng. Thường thì nhà đầu tư chỉ thấy được tác động của các sự kiện này đến tỷ giá khi chúng đã thật sự xảy ra.

Công cụ phân tích cơ bản

Phân tích cơ bản đòi hỏi phải có khả năng hiểu và nắm bắt tình hình kinh tế ở các quốc gia, đặc biệt là quốc gia của đồng tiền liên quan đến cặp tỷ giá mà các bạn muốn giao dịch. Một cách chính xác và nhanh nhất để cập nhật tình hình kinh tế của một quốc gia là theo dõi hoạt động của các ngân hàng trung ương vì các chính sách của ngân hàng trung ương sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, trong đó, điều chỉnh lãi suất chiết khấu được xem là yếu tố tác động lớn nhất, ngoài ra còn có các chỉ số kinh tế khác như lạm phát, GDP… như đã phân tích ở phần 2. Để theo dõi kịp thời các tin tức này, các bạn cần nắm rõ thời gian công bố các chính sách của ngân hàng trung ương thông qua các cuộc họp định kỳ và đột xuất, đặc biệt là các ngân hàng trung ương có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường forex như FED, BoE, ECB…, đồng thời theo dõi tin tức kinh tế trên các phương tiện truyền thông và báo chí.

Một công cụ thật sự hữu ích cho các trader phân tích cơ bản trên thị trường forex đó chính là Lịch kinh tế, nơi phát hành những tin tức, chỉ số kinh tế quan trọng của các quốc gia. Để tìm hiểu sự tác động của các tin tức trên Lịch kinh tế đến tỷ giá, các bạn cần nghiên cứu riêng chúng. Các tin tức trên Lịch kinh tế được chia thành 3 loại theo 3 cấp độ ảnh hưởng đến tỷ giá: ảnh hưởng mạnh, ảnh hưởng trung bình và ảnh hưởng thấp.

Các tin tức ảnh hưởng mạnh thường gây ra sự biến động lớn trong tỷ giá khi tin tức được phát hành. Các nhà đầu tư lợi dụng sự biến động mạnh để kiếm lợi nhuận cao, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là dự đoán đúng chiều hướng đi của giá, mà điều này chính là nhiệm vụ của phân tích cơ bản.

Các bạn có thể xem Lịch kinh tế tại các trang web uy tín như forexfactory.com (tiếng Anh) hoặc vn.investing.com (tiếng Việt) hoặc Lịch kinh tế trên các sàn forex.

phân tích cơ bản cho người mới bắt đầu
phân tích cơ bản cho người mới bắt đầu

Hình trên là Lịch kinh tế trên website forexfactory.com, các thành phần chính trên Lịch kinh tế bao gồm, ngày tháng, thời gian, tiền tệ tương ứng của các quốc gia phát hành tin, mức độ ảnh hưởng đến tiền tệ (màu đỏ là ảnh hưởng mạnh, màu cam là trung bình và màu vàng là thấp), tên tin tức, số liệu thực tế, số liệu dự báo và số liệu quá khứ. Cách sắp xếp và ký hiệu quy định các thành phần này có thể khác nhau giữa Lịch kinh tế tại các website và các sàn forex.

Một số lưu ý khi giao dịch với tin tức trên Lịch kinh tế

  • Tin tức càng quan trọng thì mức độ ảnh hưởng đến tỷ giá càng cao
  • Xem xét các số liệu thực tế so với các số liệu dự báo để dự đoán về hướng đi của giá. Nếu số liệu công bố tốt hơn và vượt trội hơn so với dự báo thì các bạn có thể kỳ vọng giá trị của đồng tiền sẽ tăng. Nếu ảnh hưởng của tin tức ở cấp độ mạnh, nhưng không có sự khác biệt giữa số liệu thực tế và dự báo thì các bạn không nên quá kỳ vọng về một sự biến động mạnh nào xảy ra cả
  • Đặc biệt theo dõi các công bố của các ngân hàng trung ương vì nó ảnh hưởng đến tỷ giá trong dài hạn. Đồng USD là đồng tiền quan trọng nhất nên phải phân tích kỹ các chính sách hay chỉ số kinh tế được công bố bởi FED. Xem FED là gì?
Xem thêm:  LiteForex (LiteFinance) là gì? Đánh giá chi tiết sàn LiteForex mới nhất 2023

Các động thái của nhà đầu tư khi giao dịch với tin tức trên thị trường

Đứng trước một tin tức được phát hành, một chỉ số kinh tế bất kỳ được công bố bởi một quốc gia hay một sự kiện chính trị, xã hội vừa mới xảy ra, mỗi nhà đầu tư sẽ có những động thái khác nhau trên thị trường forex.

  • Đối với nhà đầu tư không ưa thích mạo hiểm: một là sẽ đứng ngoài thị trường không tham gia giao dịch vì xác định được mức độ rủi ro từ ảnh hưởng của tin tức đến tỷ giá. Hai là vẫn tham gia giao dịch nhưng không vào lệnh lúc tin được công bố mà đợi một khoảng thời gian sau đó. Vì có rất nhiều tin tức mà khi được công bố sẽ tác động rất lớn đến tỷ giá, và sự biến động đó không xác định được chiều hướng cụ thể, thế nên chiến lược của nhà đầu tư sẽ là đợi cho thị trường hạ nhiệt bớt và bắt đầu hình thành một xu hướng cụ thể ngay sau đó để khi vào lệnh có thể hạn chế được rủi ro.
  • Đối với nhà đầu tư thích sự mạo hiểm: rủi ro khi giao dịch tin tức là không hề nhỏ, nhưng vì khả năng kiếm lợi nhuận cao từ sự biến động mạnh của giá đã hấp dẫn không ít các trader trên thị trường. Nhà đầu tư chấp nhận giao dịch lúc ra tin sẽ đối diện với 2 khả năng: nếu phân tích đúng xu hướng, nhà đầu tư sẽ thu được nhiều lợi nhuận, ngược lại nếu dự đoán sai thì cũng sẽ mất khá nhiều tiền vì giá thường biến động mạnh tại thời điểm ra tin.

Tuy nhiên, động thái của nhà đầu tư không chỉ phụ thuộc vào mức độ chịu rủi ro mà còn phụ thuộc vào loại tin tức và mức độ hiểu biết, kinh nghiệm của nhà đầu tư về tin tức đó. Một tin tức được phát hành có thể giao dịch được nếu tác động của tin đó đến thị trường là mạnh và ngược lại, một tin tức tác động yếu đến thị trường thì không nên quan tâm. Giả sử một tin tức có ảnh hưởng lớn đến tỷ giá được tung ra, lúc này các bạn sẽ phải xác định mối quan hệ của dữ liệu kinh tế đó với tỷ giá, sau đó xem xét giá trị thực tế với giá trị dự báo để dự đoán chiều hướng biến động của giá. Nếu như không có nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết nhất định thì thời gian để các bạn kịp đưa ra những dự đoán về xu hướng là rất lâu trong khi thị trường phản ứng ngay lập tức khi ra tin, lúc đó bạn có muốn giao dịch cũng đã quá muộn.

Phân tích cơ bản không hề đơn giản như tên gọi của nó. Không chỉ phân tích riêng lẻ từng yếu tố tác động đến tỷ giá mà còn phải kết hợp với các yếu tố khác. Phân tích cơ bản đòi hỏi các bạn phải có sự nhạy bén về các tin tức trên thị trường, mà sự nhạy bén này sẽ có được nếu các bạn trau dồi thêm kiến thức và luyện tập thật nhiều. Đặc biệt là phải thường xuyên theo dõi các tin tức kinh tế của các quốc gia. Một lời khuyên cho các bạn là khi lựa chọn trường phái phân tích cơ bản, không nên giao dịch quá nhiều cặp tiền tệ, chỉ nên chọn một hoặc một vài cặp forex và nghiên cứu thật kỹ đặc điểm nền kinh tế của đồng tiền trong cặp đó, đặc biệt là USD, để có được những kiến thức chuyên sâu nhất, khi bất kỳ một tin tức nào xảy ra, các bạn cũng đủ tự tin để ra những quyết định đúng đắn và kịp thời nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *