Pivot point là một chỉ báo kỹ thuật có chức năng xác định các mốc giá quan trọng mà tại đó thị trường sẽ có những biến động nhất định, có thể là đảo chiều hoặc tiếp tục xu hướng ban đầu. Nhà giao dịch trên thị trường forex sử dụng chỉ báo này để thiết lập các mức hỗ trợ và kháng cự nhằm tìm kiếm những điểm vào lệnh tiềm năng, mang về lợi nhuận trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Các mức giá của Pivot point sẽ cố định trong một khung thời gian cụ thể chứ không thay đổi theo từng biến động của giá nên việc cài đặt và sử dụng chỉ báo này dễ dàng hơn so với đa số các chỉ báo kỹ thuật khác và tính hiệu quả của nó trên thị trường forex cũng khá cao, điều này hấp dẫn nhiều nhà đầu tư xem Pivot point như một phương pháp giao dịch không thể thiếu.
Với một trader mới, Pivot point sẽ là một công cụ giao dịch dễ tiếp cận, chính vì thế các bạn nên bỏ chút thời gian để tìm hiểu về chỉ báo này.
Nội dung của bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu được pivot là gì? và cách giao dịch hiệu quả với pivot point trên thị trường forex.
Pivot point là gì?
Pivot là gì? Pivot có nghĩa là trục, then chốt hoặc xoay, khi kết hợp với point thì nó thường mang nghĩa là điểm xoay. Đây cũng là nghĩa được giới trader hay sử dụng nhất. Tuy nhiên, để thể hiện đầy đủ nhất ý nghĩa của chỉ báo này thì “điểm then chốt” là nghĩa gần nhất. Không chỉ xác định được thời điểm giá sẽ xoay chiều (đảo chiều) mà Pivot point còn xác định được thời điểm mà giá sẽ tiếp diễn đi theo xu hướng cũ với lực mạnh.
Pivot point bao gồm 3 thành phần: đường Pivot point trung tâm, các đường nằm phía dưới Pivot point được sử dụng như những ngưỡng hỗ trợ (Support) và các đường nằm phía trên Pivot point được sử dụng như những ngưỡng kháng cự (Resistance).
Các giá trị của PP và các đường hỗ trợ, kháng cự được tính từ các mức giá cao nhất (High), thấp nhất (Low) và giá đóng cửa (Close) của phiên giao dịch trước đó.
Công thức
PP (Pivot point) = (High + Low + Close)/3
S1 (Support) = PP – h2 = PP – (High – PP) = 2 PP – High
R1 (Resistance) = PP + h1 = PP + PP – Low = 2 PP – Low
PP, S1 và R1 là mức giá quan trọng nhất của chỉ báo này, ngoài ra, còn có một số mức hỗ trợ kháng cự nằm ngoài các mức giá này như S2, S3, R2, R3… cũng được nhà đầu tư sử dụng thường xuyên.
S2 = PP – (High – Low)
R2 = PP + (High – Low)
S3 = Low – 2 (High – PP)
R3 = High +2 (PP – Low)
Tùy thuộc vào từng chiến lược cụ thể mà nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo này trên những giai đoạn khác nhau (các phiên giao dịch khác nhau).
- Pivot point hàng ngày (Daily Pivot) sẽ được tính dựa trên các mức giá cao nhất, thấp nhất và giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước. Daily Pivot thường được sử dụng trên các khung thời gian ngắn như H1, M30 hoặc M15. Đây cũng là Pivot point được ưa chuộng bởi những nhà đầu tư lướt sóng hoặc giao dịch ngắn hạn. Mỗi ngày sẽ có các mức giá Pivot point cố định cho đến khi bắt đầu phiên giao dịch của ngày hôm sau.
- Pivot point hàng tuần sẽ được tính dựa trên các mức giá cao nhất, thấp nhất và giá đóng cửa của phiên giao dịch tuần trước. Loại Pivot point này thường được quan sát trên các khung thời gian dài hơn như D1, H4 hoặc H1. Tương tự, Pivot point sẽ được cố định trong một tuần và chỉ thay đổi khi bắt đầu tuần tiếp theo.
Bên cạnh đó, chỉ báo này còn được tính cho các giai đoạn dài hơn như tháng hoặc năm và các giai đoạn ngắn hơn như H4, H1.
Ví dụ: Daily Pivot của cặp USD/CHF trên khung thời gian M15.
Pivot point của ngày 10/3 được tính dựa trên các dữ liệu giá của ngày 9/3, Pivot point của ngày 11/3 được tính từ các mức giá của ngày 10/3 và tương tự, Pivot point của ngày 12/3 sẽ được tính từ các mức giá High, Low và Close của ngày 11/3. Mỗi ngày sẽ có một Pivot point cùng các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ cố định.
Khi chuyển từ khung thời gian này sang khung thời gian khác thì các giá trị của PP, S1, S2, S3, hay R1, R2, R3 vẫn không thay đổi.
Ý nghĩa của Pivot point
Pivot point có 2 ý nghĩa quan trọng:
- Thứ nhất, đường PP (Pivot point trung tâm) như một giá trị trung bình nên khi giá nằm dưới đường PP thì chứng tỏ phe bán đang chiếm ưu thế, nhà đầu tư nên cân nhắc bán ra. Ngược lại, khi giá nằm phía trên đường PP thì có nghĩa là phe mua đang chiếm ưu thế, nhà đầu tư nên cân nhắc mua vào.
- Thứ hai, Pivot point xác định các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ, chính vì thế, giao dịch với Pivot point cũng giống như giao dịch với các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ thông thường. Khi giá đi lên và chạm ngưỡng kháng cự sẽ có xu hướng quay đầu đi xuống hay khi giá giảm và chạm ngưỡng hỗ trợ sẽ có xu hướng quay trở ngược đi lên (đảo chiều xu hướng). Khi giá phá vỡ các ngưỡng này thì nó sẽ đi theo hướng ban đầu (tiếp diễn xu hướng). Sở dĩ có tính chất này là do những nhà giao dịch tin rằng khi phá vỡ những ngưỡng giá quan trọng, nó sẽ có xu hướng tăng lên hoặc giảm đi với lực rất mạnh, khối lượng giao dịch lớn chính là điều kiện đi kèm với tín hiệu này. Nhà đầu tư dựa vào đó, xác định các điểm đảo chiều hoặc các điểm breakout (phá vỡ) để vào lệnh chính xác hơn.
Các loại Pivot point và cách tính. Nên chọn loại Pivot point nào để giao dịch?
Công thức của Pivot point ở trên là công thức của Pivot point tiêu chuẩn (Standard) hay còn gọi là Pivot point cổ điển (Classic). Bên cạnh đó, Pivot point còn được tính bằng nhiều cách khác nhau, với mỗi cách tính sẽ hình thành nên một loại Pivot point là biến thể của Pivot point Cổ điển.
Fibonacci Pivot point
Ý tưởng của loại Pivot point này chính là bắt nguồn từ các tỷ lệ vàng của dãy số Fibonacci. Các tỷ lệ này được ứng dụng để xác định các mức kháng cự và hỗ trợ trong một giai đoạn bất kỳ, tính chất này khá tương đồng với Pivot point, chính vì thế mà các nhà phân tích kỹ thuật đã kết hợp 2 loại lại với nhau, tạo thành một chỉ báo Fibonacci Pivot point.
Công thức:
R3 = PP + (High – Low) * 1.000
R2 = PP + (High – Low) * 0.618
R1 = PP + (High – Low) * 0.382
PP = (High + Low + Close)/3
S1 = PP – (High – Low) * 0.382
S2 = PP – (High – Low) * 0.618
S3 = PP – (High – Low) * 1.000
Cách tính giá trị PP của loại này tương tự như Pivot point Cổ điển. Các mức kháng cự, hỗ trợ chính là sự chênh lệch giữa PP và độ biến động giá của giai đoạn trước (High – Low). Tuy nhiên, độ biến động giá này được điều chỉnh bằng các tỷ lệ vàng của dãy Fibonacci.
Woodie Pivot point
Nhiều nhà phân tích cho rằng giá đóng cửa của phiên giao dịch trước ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của giá ở phiên giao dịch sau, chính vì thế, ở loại Pivot point này, các nhà giao dịch chú trọng nhiều hơn vào giá đóng cửa.
Công thức:
R2 = PP + (High – Low)
R1 = 2 PP – Low
PP = (High + Low + 2 Close)/4
S1 = 2 PP – High
S2 = PP – (High – Low)
Ngoài việc khác nhau trong công thức tính giá trị của PP thì các mức kháng cự và hỗ trợ của loại này có cách tính tương tự như Pivot point Cổ điển. Tuy nhiên, Woodie không sử dụng các mức R3 và S3.
Camarilla Pivot point
Loại Pivot point được Nick Sott phát minh vào cuối năm 1980, ý tưởng của ông tương đối giống với Woodie Pivot point khi chú trọng vào ảnh hưởng của giá đóng cửa ở phiên giao dịch trước. Ông cho rằng giá sẽ có xu hướng quay trở lại phạm vi giá trị của nó ở phiên giao dịch sau bất kể ở phiên trước nó biến động như thế nào.
Công thức:
R4 = Close + (High – Low) * 1.5
R3 = Close + (High – Low) * 1.25
R2 = Close + (High – Low) * 1.1666
R1 = Close + (High – Low) * 1.0833
PP = (High + Low + Close)/3
S1 = Close – (High – Low) * 1.0833
S2 = Close – (High – Low) * 1.1666
S3 = Close – (High – Low) * 1.25
S4 = Close – (High – Low) * 1.5
Các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ thay vì là chênh lệch giữa PP và độ biến động của giá ở giai đoạn trước như Woodie Pivot point, thì ở loại này, các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ chính là chênh lệch giữa giá đóng cửa và độ biến động giá được điều chỉnh bởi các số nhân đặc biệt, ở khía cạnh này thì Camarilla Pivot point lại có vẻ giống với Fibonacci Pivot point. Một điểm đặc biệt nữa là loại Pivot point này có đến 4 ngưỡng hỗ trợ và 4 ngưỡng kháng cự, tuy nhiên, trong thực tế con số này có thể được tăng lên nhiều hơn nữa.
Nên sử dụng loại Pivot point nào?
Không riêng gì Pivot point mà hầu như các chỉ báo kỹ thuật khác đều mang tính chất tương đối, chính vì thế sẽ không có loại nào được cho là tốt nhất hay hoàn hảo nhất. Vậy thì những trader chuyên nghiệp họ sử dụng loại nào? Sẽ không có câu trả lời cụ thể nào ở đây cả. Để chọn được một loại Pivot point hiệu quả và sử dụng thường xuyên, những trader trên thị trường này phải liên tục và kiên trì luyện tập giao dịch, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi loại, từ đó chọn ra một loại mà họ cảm thấy rằng nó mang lại xác suất thành công cao nhất cho các giao dịch của mình.
Đối với những nhà đầu tư mới, các bạn có thể chọn Pivot point Cổ điển vì tính phổ biến của nó, càng nhiều người sử dụng thì khả năng “tự động” chính xác của nó sẽ càng cao hơn.
Cách cài đặt Pivot point trong phần mềm MT4
Trên phần mềm MT4, để cài đặt chỉ báo Pivot point, trên thanh công cụ, các bạn chọn Insert –> Indicators –> Custom –> Pivot points – Daily (Shifted) như hình dưới:
Phần mềm MT4 của IC Markets chỉ tích hợp sẵn chỉ báo Daily Pivot point Cổ điển (Pivot point theo ngày) vì đây là loại điểm xoay được dùng phổ biến nhất. Tùy thuộc vào từng sàn forex mà phần mềm MT4 sẽ được tích hợp những loại Pivot point khác nhau, nhiều nền tảng MT4 không có sẵn chỉ báo này và các bạn phải tải về.
Cách tải về như sau:
Các bạn có thể lên Google và tìm kiếm “ Download Pivot point Indicator” hay một cụm từ bất kỳ với nội dung tải về Pivot point miễn phí. Sau khi tải xong về máy, các bạn mở MT4 lên, mở thư mục theo đường dẫn sau: File –> Open Data Folder –> MQL4 –> Indicators. Sau đó copy file Pivot point vừa tải về vào thư mục theo đường dẫn trên là xong.
Chúng tôi đã thực hiện tải chỉ báo Pivot point All In One về MT4 và nó hiển thị trên danh sách Indicators ở mục Custom như hình trên.
Chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt cả 2 chỉ báo hiện có trên phần mềm MT4 này.
- Pivot points – Daily (Shifted)
Ở tab Inputs, tại ô Value, các bạn chọn số lượng các đường Pivot point muốn hiển thị, mặc định là 5 thì chỉ báo này sẽ hiển thị đầy đủ các đường PP, S1, S2, R1, R2, nếu chọn 3 thì chỉ hiển thị PP, S1 và R1.
Ở tab Colors, lựa chọn màu sắc và độ dày mỏng cho chỉ báo. Các số từ 0 đến 6 lần lượt đại diện cho các đường R3, R2, R1, PP, S1, S2, S3.
Tab Visualization là nơi mà các bạn lựa chọn khung thời gian muốn hiển thị chỉ báo.
Chọn xong thì bấm OK.
- Pivot point All In One
Tại đây, các bạn lưu ý tab Inputs, các tab Colors, Visualization chỉ cần thực hiện tương tự như trên.
- Calculation Method: lựa chọn loại Pivot point, bao gồm Classic, Woodie, Fibonacci và Camarilla.
- Calculation Period: lựa chọn giai đoạn tính toán: hằng ngày, hàng giờ, hằng tuần hoặc hằng tháng.
- Show Only Recent Period (Chỉ hiển thị giai đoạn hiện tại): Nếu muốn chỉ báo này chỉ hiển thị cho giai đoạn hiện tại thì chọn Yes, không thì chọn No như hình.
- Depth of Levels (Show up to): lựa chọn range cho chỉ báo, S4/R4 nghĩa là hiển thị từ S4 đến R4, các bạn có thể một range tùy thích.
- Number of Periods to show: lựa chọn số lượng giai đoạn cần hiển thị chỉ báo này.
Cách giao dịch với Pivot point
Các loại Pivot point có những cách tính khác nhau, nhưng nhìn chung thì cách giao dịch là như nhau do tính chất của các ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ, chính vì thế, ở phần này, chúng tôi sẽ lấy các ví dụ và cách giao dịch trên Pivot point Cổ điển.
Có 3 cách giao dịch cơ bản với Pivot point:
- Giao dịch theo xu hướng với đường PP trung tâm
- Giao dịch với tín hiệu đảo chiều từ các mức cản mạnh (kháng cự/hỗ trợ mạnh)
- Giao dịch với tín hiệu breakout các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ
Giao dịch theo xu hướng với đường PP trung tâm
Ý tưởng giao dịch theo cách này xuất phát từ ý nghĩa của đường PP, đường này có vai trò như một giá trị trung bình, nếu giá di chuyển xuống dưới và phá vỡ đường PP thì chứng tỏ đang có nhiều người bán trên thị trường, phe bán đang áp đảo, nhà đầu tư nên đặt lệnh Sell để kiếm lời từ xu hướng chung. Ngược lại, nếu giá phá vỡ đường PP và đi lên thì nhà đầu tư nên vào lệnh Buy.
Hình trên là đồ thị của cặp EUR/USD trên khung thời gian M15, và sử dụng Daily Pivot. Phiên giao dịch bắt đầu với sự di chuyển của giá xoay quanh đường PP, khi giá tăng lên và phá vỡ đường PP bằng một cây nến tăng mạnh thì chứng tỏ phe mua đang cố tạo áp lực để đẩy giá lên cao. Các bạn có thể vào lệnh Buy ngay khi cây nến breakout kết thúc, hoặc để chắc chắn hơn thì nên vào lệnh khi có sự xác nhận của cây nến tín hiệu, là một cây nến tăng ngay sau đó. Đặt stop-loss phía dưới đường PP và take-profit tại đường R1 vì R1 là ngưỡng kháng cự, giá sẽ có khả năng đảo chiều khi di chuyển sát đến đường này. với giao dịch này, các bạn có thể lời được 96 pips. Tuy nhiên, cuộc sống không bao giờ luôn luôn là màu hồng. Trong thực tế, đây không phải là một tín hiệu mạnh, giá sẽ phá vỡ đường PP trung tâm nhiều lần nhưng không đi theo hướng như kỳ vọng hoặc chỉ đi một đoạn ngắn, không đủ để bù đắp chi phí giao dịch.
Để giao dịch hiệu quả hơn với cách này, các bạn có thể sử dụng thêm các chỉ báo kỹ thuật khác hoặc mô hình giá để xác nhận lại tín hiệu một lần nữa.
Giao dịch với tín hiệu đảo chiều từ các mức cản mạnh (kháng cự/hỗ trợ mạnh)
Khi giá liên tục chạm đến các đường hỗ trợ (S1, S2, S3) và kháng cự (R1, R2, R3) sau đó đảo chiều thì những đường đó được cho là có tính cản mạnh. Một ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ mạnh khi có ít nhất 2 lần giá chạm đến các ngưỡng đó và quay đầu.
Chiến lược giao dịch với tín hiệu này hoàn toàn giống cách mà chúng ta giao dịch với các ngưỡng hỗ trợ, kháng cự thông thường. Nghĩa là, khi xác định được một ngưỡng kháng cự/hỗ trợ mạnh, nếu giá đi lên và chạm vào ngưỡng kháng cự thì khả năng cao giá sẽ đảo chiều, cho tín hiệu vào lệnh bán, ngược lại, khi giá giảm xuống và chạm vào ngưỡng hỗ trợ sẽ cho nhà đầu tư tín hiệu vào lệnh mua.
Hình trên là đồ thị của cặp EUR/CAD trên khung thời gian M15, sử dụng Daily Pivot loại Pivot point Cổ điển.
Khi giá 2 lần chạm vào đường S1 và quay trở ngược lên trên thì khả năng S1 là một ngưỡng hỗ trợ mạnh. Nhiệm vụ của các bạn lúc này là chờ đợi khi giá quay trở lại test S1 một lần nữa thì có thể đặt lệnh Buy. Và đúng là sau đó giá đã quay trở lại test S1 một lần nữa, nếu tự tin ở mức cản này, các bạn có thể vào lệnh ngay khi giá vừa chạm vào đường S1, trong trường hợp này chính là giá đóng cửa của cây nến giảm. Để an toàn hơn, các bạn có thể chờ đợi sự xác nhận của cây nến tín hiệu. Một cây nến tăng sau khi giá chạm đường S1 sẽ làm tăng khả năng đảo chiều của giá. Và tình huống này đã xảy ra đúng như những gì chúng ta kỳ vọng. Vào lệnh khi cây nến xác nhận kết thúc, lợi nhuận sẽ giảm đi so với khi vào lệnh lúc giá chạm đường S1 nhưng không nhiều vì độ dài thân nến xác nhận không quá cao.
Đặt stop-loss ngay phía dưới đường S1, cách S1 khoảng 5-6 pips. Mục tiêu lợi nhuận trong trường hợp này có thể chính là đường PP. Với giao dịch này, các bạn đã có thể kiếm được trên 100 pips.
Cũng trong tình huống này, các bạn sẽ nhận thấy rằng giá dường như sắp phá vỡ đường PP để vượt lên trên nhưng không thể vượt qua được do lực bán quá mạnh nên giá đã đảo chiều đi ngược xuống dưới. Điều này cho thấy đường PP lúc này đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự mạnh. Khi giá tăng lên và chạm vào đường PP một lần nữa cũng chính là cơ hội để các bạn vào lệnh Sell. Nếu chưa tự tin, có thể chờ đợi diễn biến của phiên giao dịch sau đó. Sau khi phiên giao dịch tiếp theo kết thúc, các bạn hoàn toàn có thể tự tin vào lệnh vì đó là một cây nến giảm và cây nến đó cùng với cây nến phía trước tạo thành mô hình Đỉnh nhíp, khả năng giá đảo chiều giảm gần như là chắc chắn xảy ra.
Đặt stop-loss tại phía trên đường PP, cách đường PP khoảng 5-6 pips. Mục tiêu chốt lời là đường S1 vì đường này đang là ngưỡng hỗ trợ mạnh, khả năng giá đảo chiều cao khi chạm vào S1. Với giao dịch này thì các bạn cũng sẽ lời được hơn 100 pips.
Với 2 lệnh liên tiếp, các bạn đã thắng được hơn 200 pips.
Tuy nhiên, không phải lúc nào giá cũng đảo chiều khi gặp các ngưỡng kháng cự/hỗ trợ và đến một lúc nào đó, giá cũng sẽ phá vỡ các ngưỡng này.
Giao dịch với tín hiệu breakout ngưỡng kháng cự/hỗ trợ
Trong trường hợp này, S1 được đánh giá là một ngưỡng hỗ trợ mạnh khi giá liên tục chạm vào S1 thì lập tức đảo chiều đi lên. Cây nến khoanh tròn trong hình chứng tỏ phe mua đang cố gắng ép giá lên, bằng chứng là phần râu nến nằm phía trên đường PP. Tuy nhiên, lực bán quá mạnh đã đẩy giá đi xuống lại và kết thúc tại mức giá nằm bên dưới đường PP. Phiên giao dịch sau đó là một cây nến giảm với lực rất mạnh, có khả năng giá sẽ phá vỡ đường S1. Nhưng tín hiệu breakout lúc này còn yếu, để chắc chắn hơn thì nên đợi đến lúc S1 bị phá vỡ thật sự.
Vào lệnh Sell thứ nhất khi cây nến phá vỡ kết thúc (tín hiệu phá vỡ lúc này khá mạnh và dứt khoát).
Đặt stop-loss phía trên S1, cách S1 khoảng 5-6 pips.
Với lực thị trường đang mạnh như thế, các bạn hoàn toàn có thể hy vọng rằng giá sẽ tiếp tục phá vỡ S2 và hướng mục tiêu lợi nhuận đến S3.
Đúng như những gì chúng ta kỳ vọng, lúc này, đặt thêm một lệnh Sell thứ 2 ngay khi giá phá vỡ S2, đặt stop-loss của lệnh này bên trên S2 và dời lỗ của lệnh 1 đến mức dừng lỗ của lệnh 2 bằng trailing stop, để chắc chắn phần lợi nhuận của lệnh 1. Take-profit cho cả 2 lệnh tại S3. Thị trường đã đi đúng như dự đoán, lợi nhuận đạt được trong trường hợp này là rất lớn.
Nếu không mạo hiểm mà đặt take-profit cho lệnh 1 tại S2 và ngưng giao dịch vì không tự tin giá sẽ phá vỡ luôn S2 hoặc chờ đợi khi giá pullback về S2 rồi mới vào lệnh Sell thứ 2 thì các bạn đã bỏ lỡ một phần lợi nhuận rất lớn.
Như đã nói, không một phương pháp nào chính xác tuyệt đối cả, chính vì thế, khi giao dịch với Pivot point, các bạn có thể kết hợp thêm các chỉ báo khác như RSI hay MACD để xác nhận lại các tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng, hay các phương pháp phân tích khác như mô hình nến, mô hình giá…có thêm sự xác nhận của những công cụ này sẽ càng làm cho tín hiệu nhận được từ Pivot point trở nên đáng tin cậy hơn.
Là một trader mới, hãy luyện tập giao dịch thật nhiều, tham khảo phong cách giao dịch của nhiều trader thành công khác và biến kinh nghiệm trở thành bí kíp riêng cho mình.
Tiềm năng lợi nhuận trên thị trường forex là rất lớn, hãy bắt đầu ngay bây giờ.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.